Một luật sư nói Bộ Công an cấm công dân Việt Nam vào chính nước mình như trong thời gian vừa qua là 'trái luật'. Hai ông Phạm Văn Điệp, hiện đang sinh sống ở Nga và Trần Trọng Linh, đang sinh sống tại Pháp, đã đều có đơn khiếu nại gửi tới Bộ Công an trong hai tuần gần đây về chuyện họ không được phép vào Việt Nam cho dù dùng hộ chiếu Việt Nam để nhập cảnh.
Ông Linh cũng có hộ chiếu Pháp nhưng ông Điệp chỉ có duy nhất hộ chiếu Việt Nam.
Ông Linh, một nghệ sỹ tạo hình, cho rằng ông bị cấm vào vì một triển lãm trong đó các ẩn phẩm của Đảng Cộng sản nằm trong số rác rưởi lộ ra khi nước đá lấy từ sông Tô Lịch để triển lãm tan chảy.
Còn ông Điệp nói ông từng tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam khi còn ở trong nước và cũng có nhiều bài viết về tình hình Việt Nam khi ở nước ngoài.
Cả hai ông đều đã từng ra vào Việt Nam nhiều lần nhưng chỉ tới lần mới nhất, hồi tháng Hai với ông Linh và tháng Tư đối với ông Điệp, họ mới bị cấm nhập cảnh.
Luật sư Lê Trần Luật nói chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền tước quốc tịch của công dân và khi còn quốc tịch thì họ được quyền nhập cảnh và sinh sống ở Việt Nam.
Cấm vào
Luật sư Luật nói việc cấm hai ông Điệp (trái) và Linh vào chính đất nước mình là trái luật
Bình về việc cấm đoán nhập cảnh của Bộ Công an, ông Luật nói:
"Trường hợp này tôi thấy nó hơi vô lý bởi vì họ là công dân Việt Nam thì mặc nhiên họ được vào Việt Nam.
"Họ có thể bị cấm xuất cảnh chứ còn cấm nhập cảnh chỉ dành cho người nước ngoài thôi."
"…Tôi cũng đọc hết các trường hợp và chưa thấy trường hợp nào nói rằng người Việt Nam, quốc tịch Việt Nam mà không được vào Việt Nam.
"Tôi cho rằng kể cả có lý do an ninh đi nữa thì người đó là người Việt Nam thì họ chắc chắn phải được nhập cảnh vào Việt Nam tại vì không có quy định nào cấm nhập cảnh vào Việt Nam [đối với công dân Việt Nam]."
Luật sư Luật nói nếu người Việt Nam có quốc tịch khác và dùng quốc tịch đó để vào Việt Nam thì họ có thể bị từ chối nhập cảnh như một người nước ngoài.
Theo ông, các công dân nước ngoài sẽ bị cấm nhập cảnh khi họ bị trục xuất khỏi Việt Nam, liên quan tới các dịch bệnh hay vì lý do an ninh.
Ông cũng nói thêm về 'lý do an ninh' vốn hay được đưa ra để cấm xuất nhập cảnh đối với cả công dân Việt Nam và người nước ngoài:
"Bây giờ giải thích lý do an ninh quốc gia là thế nào thì thực sự tôi cũng không biết giải thích và điều này dẫn tới cái gọi là cảm tính của cơ quan an ninh."
"Thế nào là an ninh quốc gia, người bị cấm liên quan như thế nào và mức độ nào thì bị cấm [xuất nhập cảnh]."
'Cấm ra'
Ông Luật, người cũng bị chính quyền từ chối cấp hộ chiếu, nói về mặt chính thức có một số lý do để công dân Việt Nam bị cấm xuất cảnh.
"Theo quy định của pháp luật Việt Nam, họ có bảy lý do để không cho một công dân xuất cảnh.
"Thứ nhất là chịu trách nhiệm về hình sự hoặc là liên quan tới công việc điều tra.
"Thứ hai là đang chấp hành một bản án hình sự.
"Thứ ba là chấp hành mọi bản án dân sự kinh tế.
"Thứ tư là đang chấp hành một xử phạt hành chính về nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính liên quan tới tài sản hoặc các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ tài chính.
"Thứ năm là họ muốn ngăn chặn một dịch bệnh lây lan nguy hiểm nào.
"Thứ sáu là an ninh quốc gia.
"Thứ bảy là đã có một lần nào đó vi phạm [luật] xuất nhập cảnh của Việt Nam."
Nhưng ông Luật nói lý do an ninh thường được dùng để cấm những người "tham gia biểu tình, có những bài viết có tính phản biện cao hay chỉ trích chính quyền trực diện".
Theo ông những người Việt Nam bị cấm xuất cảnh và nhập cảnh vì lý do an ninh có thể thắng nếu kiện Bộ Công an ra Tòa Hành chính.
Bộ Công an Việt Nam thường chỉ nói nhà chức trách chỉ cấm nhập cảnh "những người vi phạm pháp luật", kể cả khi họ mang hộ chiếu Việt Nam.
Người mang hộ chiếu Việt Nam có quyền nhập cảnh vào các nước ASEAN và một số quốc gia trên thế giới, căn cứ vào hiệp định miễn thị thực giữa các nước này.