Một lần viết dở blog, Liên quên không tắt cửa sổ. Hiếu – chồng cô vô tình đọc được những dòng khen ngợi của vợ về người đàn ông khác.
>>Vợ chồng xung đột vì 'đan quạt'
>>Nghệ thuật tránh 'khẩu chiến'
>>Thuê nhà nghỉ để… cãi nhau
Ảnh minh họa
Liên đã có chồng nhưng sống khá “thoáng”. Anh chàng nào có ý mời Liên đi ăn uống là cô đi luôn. Biết chồng có máu ghen nên sau đó, Liên chỉ còn cách “buôn chuyện” với đám bạn gái trên blog. Mỗi bài viết, Liên đều cố tình đem chồng lên so sánh kiểu như: “Anh Tuấn galant thế, chẳng bù cho lão chồng khô khan ở nhà” hoặc “Biết thế ngày xưa mình đồng ý làm vợ anh Minh thì đời đỡ khổ biết bao”… Cộng với khá nhiều bức xúc khác về chồng mà Liên đã giải tỏa với bạn thân.
Chính những nội dung này đã khiến Hiếu tự ái. Cho dù Liên có giải thích đó chỉ là những lời vui vẻ khi tán ngẫu với bạn bè nhưng Hiếu vẫn cố chấp, không bỏ qua cho vợ.
Yến cũng bị chồng sắp cưới đòi hoãn đám cưới nhưng không phải do blog mà là cuốn nhật ký cá nhân của cô. Đó là cuốn sổ mà Yến đã giữ lại từ hồi còn là sinh viên. Nội dung cuốn sổ có đề cập đến tình cảm Yến dành cho một anh bạn cùng lớp, với lời lẽ nhớ nhung da diết nhưng chỉ là tình đơn phương. Chẳng hiểu sao, cuốn sổ mỏng này lại được kẹp trong một cuốn truyện. Một lần, anh người yêu của Yến sang chơi rồi vô tình cầm quyển truyện lên đọc và phát hiện ra toàn bộ sự thật…
Mặc dù Yến đã giải thích đó chỉ là những cảm xúc vu vơ thủa học trò nhưng người yêu cô không tin. Anh lý luận: “Phải có gì đó sâu đậm thì em mới giữ những kỷ niệm này bên mình”. Sau đó, "anh chị" lại xảy ra cãi vã, một bên cho rằng mình bị lừa, còn bên kia quả quyết: “Không tin nhau thì chia tay cho sớm”.
Nên cẩn thận khi giải tỏa bức xúc
Với phụ nữ, việc chia sẻ bằng blog (hay nhật ký) là một cách xả stress hoặc để giãy bày những cảm xúc không thể nói bằng lời. Đó có thể là những ấm ức với chồng hoặc những kỷ niệm ngọt ngào với người yêu cũ… Cũng có khi đó là cách “buôn dưa” của chị em để giết thời gian. Thế nhưng, nếu người chồng vô tình đọc được những mẩu nội dung nói xấu mình hoặc những dòng chữ tha thiết vợ mình tặng người yêu cũ, anh ấy sẽ bị tổn thương và có suy nghĩ không vui. Nếu là người đàn ông hiểu biết và thông cảm cho vợ, mọi chuyện sẽ không có gì đáng bàn. Ngược lại, nếu người chồng đa nghi, anh ấy có thể vin vào những chứng cứ này để gây khó khăn cho vợ. Do đó, người vợ nên cẩn thận với những kiểu cảm xúc như thế này:
- Thứ nhất, người vợ nên loại bỏ những kỷ niệm cũ khi đã bước chân về nhà chồng. Phụ nữ có xu hướng hoài niệm về quá khứ, nhất là khi cuộc sống chung có chút sóng gió. Khi đó, chị em dễ lầm tưởng rằng: “Biết thế, ngày xưa mình chọn anh A, anh B”… Cũng có người vợ không quên được mối tình đầu và luôn sống ảo tưởng với mối tình đó. Khi có chuyện không thể giải tỏa với chồng, họ có thể chút nỗi lòng vào blog hay nhật ký. Nếu chuyện bị bại lộ, chồng sẽ nghi ngờ và chuyện không hay dễ xảy đến.
- Thứ hai, chuyện “kêu ca” về chồng là đề tài bất tận với những người vợ. Có khi rảnh rỗi là chị em “bới móc” mọi tật xấu của chồng để than phiền. Nếu không có thời gian gặp mặt, người vợ sẵn sàng “kể tội” chồng qua blog hoặc dưới hình thức chat. Mục đích là để giải tỏa tâm lý trong lúc bực. Tuy nhiên, không ít anh chồng thiếu tâm lý lại không chịu hiểu cho “sở thích” này của vợ (tức là dù chê trách nhưng vợ vẫn rất yêu chồng). Phản ứng thường thấy của chồng là bực bội, cho rằng mình bị vợ coi thường, thậm chí đó có thể là mâu thuẫn cho nhiều cuộc cãi vã.
Theo Mẹ & Bé