Câu chuyện tưởng như đùa này là tình cảnh có thật của bà Hiền, 60 tuổi, ở Hà Nội, người đã 20 năm qua sống trong cảnh bạo hành của chồng.
Có lần mặc quần lót thấy bị bỏng rát, bà phải ngâm mình trong chậu nước đến hai tiếng mà không hiểu vì sao. Đến lúc sau nhìn lại thì thấy đáy quần dính lấm tấm mấy hạt ớt vàng.
Ảnh: humanitarianreform.org
"Hóa ra, cái trò độc ác này ông ấy học được sau lần sang thăm con ở nước ngoài, thấy có tờ báo viết có chi tiết ấy. Chưa kể những câu thơ chửi vợ thì kinh khủng không thể kể được. Đến các con trai ông ấy còn bảo: 'Ba ơi, ba dã man hơn cả phát xít ấy'", bà Hiền bức xúc kể.
Đấy chỉ là một trong rất nhiều kiểu ngược đãi mà chồng bà nghĩ ra. Lý do chỉ là vì ông nghĩ bà cũng có tính lăng lăng giống chồng. Giờ cả hai lên chức ông bà rồi thế nhưng ông này vẫn luôn nghi ngờ bà lén lút với một ai đó.
Những kiểu hành vợ như trường hợp của bà Hồng không phải là hiếm gặp. Có những người không đánh được thì chuyển sang hành vợ bằng cách sai vặt như trường hợp của chị Thư (Thanh Xuân, Hà Nội).
Lấy chồng được gần một năm, chị mới phát hiện chồng có tính hung hãn, động tý là "thượng cẳng chân hạ cẳng tay". Một lần chị đã phải nhập viện điều trị gần một tuần sau trận đòn của chồng. Sau lần đó, hàng xóm, họ hàng can thiệp thì anh không đánh chị nữa nhưng lại chuyển sang sai vặt vợ và tuyên bố: "Không đánh được thì sai vặt cho đến chết".
Từ đó, chồng chị hay mời bạn bè về nhà ăn cơm, rồi kiếm cớ sai chị luôn chân luôn tay cả ngày, lúc thì sai lấy mắm, lúc thì lại chạy đi mua thêm bia… Có khi cả ngày chị chả kịp ăn gì
"Có lần, tôi bị ốm, em gái phải sang trông nom thế mà chồng có tha đâu, bị sai làm đủ thứ. Đến khi em gái pha được cho chị cốc sữa, chưa kịp đưa vào miệng thì chồng mắng: 'Nhà cửa đang bận rộn, khách khứa thế này ăn uống gì'", chị Thư rớt nước mắt kể lại.
Tiến sĩ Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới và Phát triển, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho biết, trường hợp của bà Hiền rõ ràng là bạo lực gia đình, nhưng trường hợp của chị Thư thì phần lớn mọi người đều không nghĩ đây là cũng là một hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật.
"Hiện tình trạng bạo lực gia đình đang ngày càng phát triển với tính chất dã man hơn. Những người chồng đánh vợ không phải xuất phát từ những cơn nóng giận thông thường mà tra tấn lặp đi lặp lại", tiến sĩ Quý cho biết.
Trong nhiều chuyến đi công tác đến địa phương tiến sĩ có dịp tiếp xúc với nhiều nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình. Như một phụ nữ ở Đông Anh (Hà Nội) đang tắm thì chồng lao vào dùng vòi hoa sen đập vào đầu. Dù ngại khỏa thân, nhưng chị vẫn phải tung cửa lao ra ngoài thì gặp ngay cậu con trai lớn. Có ông chồng còn lột quần áo vợ bắt phơi sương suốt đêm, có người đổ cả nồi cám lợn đang nóng vào bụng vợ để lại những vết sẹo nham nhở….
"Thậm chí, có cả một chị làm chủ tịch hội phụ nữa xã cũng bị chồng đánh đập. Đến khi chị xin ly dị mà vẫn không thoát, chồng còn tuyên bố: 'Tao dùng mày cho đến chết'. Từ đó, cứ ở với bồ 3 ngày hắn lại về ở với chị, hãm hiếp, đánh đập chị", tiến sĩ Quý kể lại.
Cũng theo bà, Luật Phòng, chống bạo lực có hiệu lực hơn một năm nay nhưng "dường như luật vẫn còn ở rất xa". Nếu có tuyên truyền thì mới chỉ dừng lại ở hội phụ nữ các cấp là chủ yếu - những người chủ yếu là nạn nhân chứ không phải người gây ra hành vi bạo lực.
Qua khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Giới và Phát triển, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội tại một số địa phương như: Thái Nguyên, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM… thì tình trạng bạo lực gia đình vẫn diễn ra.
"Điều đáng nói là ở một số địa phương hầu như sự can thiệp của chính quyền, cộng đồng không đáng kể. Ngay cả cán bộ cũng chưa hiểu kỹ về luật và họ đưa lý do luật mới nên chưa nắm hết. Thậm chí, có những vị lãnh đạo hùng hồn khẳng định 'Ở địa phương tôi không có bạo lực gia đình'", tiến sĩ Quý cho biết.
Bên cạnh đó, cũng vì nhiều người còn chưa biết đến Luật nên mới có chuyện vợ bị chồng đánh đập, công an xã đến đòi bằng chứng rồi cũng chỉ lập biên bản, giải quyết theo kiểu dân sự, vi phạm an ninh trật tự. Có người còn bảo: "Cái gì cũng gọi công an. Vợ chồng không ngủ được với nhau cũng gọi công an".
Theo tiến sĩ Quý, điều quan trọng là Luật cần được tuyên truyền rộng rãi từ các cấp lãnh đạo đến người dân. Đây không phải chỉ là chuyện của gia đình mà của cả xã hội. "Ai dám đảm bảo rằng những đứa trẻ sống lên trong những gia đình như thế khi lớn lên sẽ không học và hành xử theo cách như của người lớn", tiến sĩ nhấn mạnh.