Ca sĩ hàng "sao" như Hà Anh Tuấn đôi lúc cũng khó khăn trong các bài hát tiếng Anh
(Ảnh minh họa)
Gần đây nhất, chương trình "Bước nhảy hoàn vũ" một lần nữa chứng minh, đôi khi, chính vì hát tiếng Anh mà một số ca sĩ đã để lộ điểm yếu của mình: Khâu phát âm chưa chuẩn thành ra hát du dương, nhưng không rõ lời.
Điển hình là ca sĩ Đức Tuấn. Mặc dù đó là ca khúc sở trường của anh trong “Music of the night” - album từng đưa anh lên giải Cống hiến cả ở danh mục “Ca sĩ” lẫn “Album của năm”, nhưng trong đêm “Bước nhảy hoàn vũ” đầu tiên, anh gần như hát không nghe rõ lời.
Chương trình có sự tham dự của ca sĩ Hà Anh Tuấn với một bài hát khá nổi tiếng, nhưng chính anh cũng “vướng víu” ở đoạn điệp khúc. Điều đáng nói là cả hai ca sĩ này đều thuộc hàng “sao” và phần trình diễn của họ có phần nào làm người xem ngạc nhiên.
Ngược lại, các ca sĩ phòng trà vốn không làm nên tên tuổi cuộn sóng trong các chương trình ca nhạc lớn, lại chứng tỏ không hề kém cạnh so với vài ca sĩ Philippines. Đó là các giọng ca Xuân Phú, Ánh Linh, Hồ Trung Dũng. Đặc biệt, Xuân Phú có giọng hát không chỉ đẹp, mượt, hợp với các bài nhạc pop, mà còn trình diễn ca khúc tiếng Anh khá chuẩn. Bên cạnh họ là các sĩ trẻ năng động, được học tiếng bài bản cũng góp phần cho đêm diễn trẻ trung, là Phương Vy, Tiêu Châu Như Quỳnh. Nhưng nhìn chung, ca khúc họ trình bày cũng chưa đạt lắm.
Trong nhiều ý kiến phản hồi về chương trình, có một số khán giả cho rằng ban nhạc và các ca sĩ trong “Bước nhảy hoàn vũ” còn yếu. Nhưng công bằng mà nói, dù dàn nhạc chơi không “bốc”, có phần hơi thiếu lửa, thì một số ca sĩ đã biết thể hiện bản lĩnh hát tiếng Anh của mình.
Đó là trường hợp của một số ca sĩ phòng trà không nổi danh. Số còn lại rất ít người có cách phát âm chuẩn nên có cảm giác bài hát đi một đường, nhạc một nẻo và đôi khi không hiểu làm sao ca sĩ có đủ “dũng cảm” để cất lên một bài hát tù mù không rõ lời như thế?
Còn nhớ trước đây, các ca sĩ hạng sao thỉnh thoảng vẫn hát một vài bài tiếng Anh, nhưng do cách phối lại quá khác, cũng như cách trình bày ca khúc hơi kéo dài, đưa đẩy, thành ra người nghe không còn nhận ra đó từng là ca khúc bất hủ.
Điều này càng thấy rõ hơn trong các cuộc liên hoan tiếng hát ASEAN, hay cuộc thi Hoa hậu (HH) Hoàn vũ, HH Quý bà. Trong khi các ca sĩ trong khu vực tự tin thể hiện bài hát tiếng Anh với ít nhiều sáng tạo, thì các ca sĩ trong nước dường như vẫn rụt rè, hay căng thẳng so giọng.
Có những trường hợp cả sân khấu cùng hát một bài hát quen thuộc, thì nhiều ca sĩ ta lâm vào cảnh… không thuộc lời, lại thỉnh thoảng “đệm” vào micro một vài từ rất “chỏi” khiến người xem càng thêm chối!
Tuy nhiên, không hiểu sao ngày càng có nhiều ca sĩ “chêm” vào album của mình một vài câu tiếng Anh, hay thậm chí, vài ca khúc tiếng Anh chỉ càng thêm đánh đố người nghe.
Một số ít người có đủ lực mới đưa những câu tiếng Anh vào bài đúng chỗ, hoặc làm cho bài rap sôi động hơn, như trường hợp ca sĩ trẻ kiêm rapper Suboi. Điều này cho thấy phong trào Anh hóa ca khúc là có thật, nhưng chỉ là mốt thời thượng, còn việc học tiếng cho đến nơi đến chốn, hát cho chuẩn thì xem ra còn… xa.