Ăn chơi 2011-09-08 12:26:50

Bún mắm - Món ruộng đồng lên phố SG


[justify]Thực khách vẫn thường xem món bún mắm như một chàng “Hai Lúa” trong ẩm thực Sài Gòn, bao nhiêu năm rồi vẫn cứ vị ấy, chất ấy, đậm đà hương sắc ruộng đồng, dẫu có “lên đời” nhờ những con tôm, lát mực hay cả, thịt quay thượng hạng…[/justify]





Tô bún mắm nay đã được lên đời với nhiều chất đạm


[justify]Bún mắm là món ăn lâu đời, dân dã của người dân vùng sông nước Nam bộ. Món ăn này đầu tiên được chế biến rất giản dị, gọi là món mắm nấu. Những bữa phải nấu ăn vội vã, sẵn hũ mắm trong nhà, người ta lấy một hai con mắm nấu cho rã thịt, lược lấy phần nước trong, dằn chút đường, thêm sả, hành, chan với bún là xem như xong được một bữa. Khi có khách, tô bún có thêm miếng cá, con tôm của ruộng đồng cho có chất đạm, vậy là thành bún mắm. Dần dà, người dân còn cho thêm thịt ba rọi, heo quay, mực… làm tô bún mắm trở nên phong phú và ngon miệng hơn.[/justify]

[justify]Điểm đặc trưng làm nên cốt cách của bún mắm hẳn nhiên là nước dùng, được nấu từ mắm linh, mắm sặc, mắm lóc hay mắm trèn, nhưng quen thuộc nhất vẫn là mắm linh và mắm sặc. Tùy theo bí quyết riêng của từng quán mà món bún có mùi thơm đậm đà. Khi món bún mắm miền sông nước được “nâng cấp” vào các quán xá ở TP. Hồ Chí Minh, trong nước dùng còn có thêm xương heo hầm cho ngọt, mắm thì được bớt lại để đỡ gắt. Theo nhiều đầu bếp, khẩu vị người Sài Gòn khá trung hòa, không quá ngọt, quá mặn hay cay, nhưng cũng không hề nhạt nhẽo.[/justify]






[justify]Chính vì nặng mùi và mặn vị mà bún mắm cũng kén khách hơn các loại bún khác, nhưng ai đã nghiền món dân dã này thì tất nhiên cũng rất ưng vị béo và mặn mòi ấy. Hương đậm đà của bún mắm dù cách vài căn nhà vẫn cứ thơm lừng và kích thích các giác quan. Mũi như ngửi được mùi sả, mùi mắm, mắt như nhìn thấy sự non tươi của rau, miệng như cảm được vị béo béo của nước dùng, cá bông lau và thịt quay, bùi bùi của cà tím, giòn dai của mực và ngọt lành của tôm tươi.[/justify]

[justify]Bún mắm có thể xem là phiên bản thu nhỏ nồi lẩu mắm, nhưng khuyết nhiều thứ rau, chỉ đơn giản vài cọng bông súng, rau đắng, rau muống chẻ, bắp chuối, kèo nèo và rau thơm. Rau có lẽ cũng là một “tính toán” của người xưa khi sáng tạo ra món bún này để cân bằng vị mặn của nước dùng, thêm chất ngọt cho món ăn.[/justify]

[justify]Ngày nay, tô bún mắm đầy đủ không được thiếu thịt ba rọi, mực, tôm, cá bông lau (hay cá hú), heo quay và cả thịt bò, tim cật để phù hợp hơn với chốn thị thành. Nhưng dù sao, số phận bún mắm đến bây giờ vẫn còn truân chuyên. So với các món ăn khác đã được nâng tầm thành đặc sản ở nhà hàng như cơm tấm, bún bò, phở…, bún mắm vẫn ít khi được xuất hiện ở những nơi sang trọng hay có mặt trong thực đơn tại các khách sạn, nhà hàng. “Anh Hai Lúa” vẫn chỉ tồn tại ở những quán xá bình dân bên đường, phục vụ đủ mọi đối tượng thực khách, không phân biệt sang giàu, dân quê hay thành thị[/justify]





[justify]Trong số những địa điểm bán bún mắm thành danh, đầu tiên phải kể đến quán lẩu mắm, bún mắm ở số 140/13 Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận). Quán nằm trong một con hẻm nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách. Đặc sản tất nhiên là món lẩu mắm và bún mắm. Đây được coi là một quán mắm lâu đời nhất ở Sài Gòn, ra đời cách đây đã gần 30 năm, có phong cách ẩm thực nguyên vẹn chất dân dã Nam bộ và hương vị mắm đặc trưng đậm đà.[/justify]

[justify]Quán bún mắm 444 trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) cũng là một địa chỉ có tên tuổi, nhưng vị mắm nơi đây đã được gia giảm ít nhiều để chiều lòng được những người khó tính, vì vậy quán đông đến độ vào những giờ cao điểm, thực khách phải tràn cả lòng đường để chờ mua về.[/justify]

[justify]Riêng khu vực ngã tư đường Minh Phụng và Hậu Giang thì hình thành cả một “xóm bún mắm” nổi danh vào loại nhất nhì ở quận 6 trong khi những hàng quán xung quanh chợ Tân Định cũng là điểm đến thường xuyên của dân ghiền mắm bình dân. Ngoài ra còn phải kể đến các quán như Hiền (chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận 3), chuyên nấu bằng mắm lóc béo và thơm, quán 338/41 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), 20B Kỳ Đồng (quận 3) hay 38 Đặng Thị Nhu (quận 1)…[/justify]

[justify]“Quý tộc” hơn một chút, thực khách tìm đến các quán trong lòng chợ Bến Thành, điển hình là sạp cô Mai ở cửa Tây. Tô bún mắm to vừa phải, nước nấu đậm đà nhưng không gắt mùi mắm, tôm, mực nhiều, rất trọng cái chất tinh túy của món ăn. Thế nên nếu có thấy vài anh “Tây rau muống” ngồi húp từng muỗng nước dùng, nhấm nháp miếng mực, con tôm trong tô bún mắm ngay trong chợ ấy thì cũng đừng xem là chuyện lạ.[/justify]

Cách làm món bún mắm:

I. Nguyên liệu:

- 300g mắm cá sặc
- 300g cá bông lau (hay cá lóc)
- 300g mực ống tươi
- Dầu ăn - Ớt cắt khoanh
- 500g xương heo
- 1 nhánh riềng bằng ngón tay
- 300g mắm cá linh
- 300g thịt ba rọi
- 300g tôm bạc thẻ
- Nước mắm ngon
- 500g bún tươi
- Tỏi băm, ngò gai.
- Bắp chuối bào, cọng súng bào, rau húng cây, rau dừa, giá sống.


II. Chuẩn bị:

Rửa xương heo nấu lấy nước dùng, nhúng mắm trong nước lạnh rồi thả vô soong nước dùng nấu sôi với riềng gọt vỏ đập giập. Cá làm sạch xắt miếng nhỏ, rửa thịt xắt mỏng, rửa tôm lột vỏ bỏ đầu và sợi chỉ đen trên lưng, rửa mực bỏ đầu và túi mặt xắt khoanh mỏng. Rau giá lặt rửa sạch vẩy ráo nước, bún nhúng nước sôi vẩy ráo.

Cách chế biến:

Phi thơm dầu tỏi, xào thịt săn lại, cho tôm và mực vào, nêm nước mắm, bột ngọt, lọc nước dùng đổ vào hỗn hợp thịt mực trên, nấu sôi thả cá vào, nêm vừa ăn, để trên lò cho nóng.

Trình bày/Cách dùng:

Ngò gai rửa sạch xắt nhỏ. Đơm bún ra tô, rắc ngò gai và dội nước lèo lên ngập bún, dọn ăn với rau và nước mắm ớt.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)