Người nhà cho biết, bé M.H. (nhà ở quận 2, TPHCM) ăn tóc khoảng hai năm nay, đã đi khám nhiều nơi nhưng gia đình chủ quan cho rằng lượng tóc ít sẽ theo đường ruột ra ngoài nên không chú ý.
Theo bác sĩ Huỳnh Lộc Sơn, Trưởng kíp mổ cấp cứu cho bé H, đây là một trường hợp dị vật đường tiêu hóa khá hiếm gặp. Thông thường với những trường hợp trẻ ăn tóc, tóc hay quện và cuộn lại thành búi theo bờ cong ở dạ dày và được siêu âm phát hiện.
Dị vật được gắp ra theo đường nội soi tiêu hóa trên. Trường hợp này búi tóc đã đi xuống ruột non và tạo thành một khối khá dài làm bít hẳn đường ruột gây nên bệnh cảnh tắc ruột rất khó khăn cho chẩn đoán.
Ngoài ra, bé H còn đi nhà trẻ và được rèn thêm học chữ, đó có thể là một áp lực cho trẻ mà người nhà không biết khiến trẻ có hành vi kéo dài gây hậu quả như trên.
Theo bác sỹ Sơn, các hành vi ăn tóc, cắn móng tay, ăn đất, sỏi… ở trẻ em thường là rối loạn tâm lý hành vi ở trẻ, ở một số trẻ bác sĩ cần tìm hiểu rõ bệnh sử, tiền căn mổ xẻ và thường từ 6 tuổi trở lên là giai đoạn dễ có những phát triển tâm sinh lý bất thường ở trẻ.
Được biết, có 40-60% trẻ 6-10 tuổi nhai hoặc cắn móng tay hay có những thói quen lạ khác như ăn tóc, xoắn tóc, véo mũi… tuy nhiên hầu hết các bậc cha mẹ không chú ý hoặc cho đó chỉ là một tật xấu của trẻ.
Ăn tóc và cắn móng tay không chỉ là thói quen xấu của trẻ mà còn có thể là dấu hiệu phản ánh một sự căng thẳng nhưng trẻ không sao vượt qua được. Những thói quen này càng để lâu trẻ càng khó bỏ và đôi khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng như trên.
Trước đó ngày 5/12/2008, các bác sỹ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cũng phẫu thuật cho một bé gái 8 tuổi ngụ tại TPHCM, có tiền sử ăn tóc và móng tay suốt 3 năm với khối dị vật lấy khỏi dạ dày là khối tóc có kích thước 8x10cm, nặng 350gr.
Theo các bác sỹ, các bậc cha mẹ khi thấy con mình có những biểu hiện bất thường như vậy thì không nên la mắng để trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu, mà nói chuyện với trẻ một cách nhẹ nhàng, giải thích cho trẻ biết đó là việc làm không hay.
Những trường hợp nặng hơn thì đưa trẻ tới Khoa Tâm lý của các bệnh viện nhi để bác sĩ chuyên khoa tư vấn và có hướng điều trị thích hợp. Tuyệt đối không áp đặt những hình phạt nặng nề với trẻ.
Theo Công An Nhân Dân