Tin tức - pháp luật 2013-01-24 04:24:26

"Bóng chiều" ngóng Xuân


Tuổi già như bóng nắng chiều hôm, buồn và chẳng biết lúc nào vụt tắt. Ánh mắt những cụ già cô độc trong viện dưỡng lão những ngày giáp Tết còn lẻ loi, thê thiết hơn cả bóng chiều.

Đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (TPHCM) vào một buổi sáng ngày cuối năm, nắng sớm giăng ngang đầu rực rỡ. Nhưng bên trong trung tâm, nắng không làm sáng nổi ánh mắt ảm đạm buồn của những cụ già đã tắm trải mấy mươi năm mưa gió cuộc đời. Những ánh mắt nhăn nhíu khóe chân chim, mờ đục và cô lẻ…

Nắng sớm cũng không xua hết được không gian trầm mặc, lặng lẽ nơi đây


Thấy khách lạ, cụ Lê Văn Long (90 tuổi) ưỡn thẳng lưng, đẩy cặp kính lão lên cao rồi từ từ nói mà như báo cáo: “Mỗi ngày tôi vẫn cố tập thể dục đều đặn cho có sức khỏe, tinh thần khỏe mạnh…”.

Cụ nhớ như in mọi việc đã qua, giọng kể rõ ràng mạch lạc. Nhưng khi hỏi cụ ở trong đây được bao lâu rồi? Giọng cụ chùng xuống, mắt xa xăm: “22 năm rồi, từ năm 1990 cơ. Lúc tôi không còn kiếm ra tiền, bị bệnh vào bệnh viện thì gia đình bỏ tôi đi mất”.

Rồi cụ khẽ khàng: “Tôi ở Hà Nội, di cư vào Sài Gòn từ năm 1954. Cả đời vất vả làm lụng nuôi vợ nuôi con. Đến năm 1990, con cháu đều lớn khôn cả thì tôi bệnh nặng phải nhập viện. Một ngày bác sĩ điều trị bảo không thấy người nhà của tôi đâu, họ bỏ đi mất, không biết tìm đâu ra, không tiền trả viện phí, không biết về nơi nào…”.

Sau đó, cụ Long được đưa vào Trung tâm Thạnh Lộc sinh sống trong những ngày cuối đời. Đã 22 năm, và qua cái Tết sắp tới là bước sang năm thứ 23 cụ sống tại viện dưỡng lão này. Chừng ấy năm, chưa 1 lần vợ con cụ đến thăm dù ông đã nối lại được liên lạc với gia đình nhà nội…

Có lẽ với cụ, khi nghĩ về chuyện đời thì cái trí tuệ minh mẫn lúc tuổi già không còn là hạnh phúc. Bởi chuyện đau lòng muốn quên đi mà vẫn cứ hiển hiện rõ ràng trong tâm trí, như xát muối vào tim. Càng minh mẫn, càng nhớ thì càng đau …

Mỗi cụ mỗi cảnh, nhưng chẳng mấy ai không buồn khi nghĩ về gia đình


Còn hoàn cảnh cụ Vũ Thị Độ (87 tuổi) thì khác, cụ "tự nguyện" bỏ đi cho con cháu đỡ vất vả. Quê cụ ở Thanh Hóa, có 3 người con gái. Khi con cái còn nhỏ, chồng cụ đã vào Nam làm ăn rồi cưới vợ khác, để cụ một mình nuôi nấng 3 con. Cụ ở vậy làm lụng nuôi con khôn lớn, rồi dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cháu…

Nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám mãi. Nhìn các con cực khổ, những đứa cháu nheo nhóc mà mình không làm được gì phụ giúp, lại nay đau mai ốm khiến con cháu thêm khó khăn, cụ lặng lẽ thu xếp bỏ nhà vào Sài Gòn… Cụ lang thang khắp thành phố, rồi được đưa vào Trung tâm Thạnh Lộc nuôi dưỡng đã 6 năm nay.

Cụ bảo: “Biết thế nào được, con cháu khổ cả, mình ở nhà làm chi vướng bận chúng nó. Mình ở đây tốt lắm, được ăn không tốn tiền, đau bịnh thì có thuốc của Nhà nước. Ở nhà thêm khổ con cháu…”.

Nói là nói thế nhưng mắt cụ Độ nhíu lại khi chúng tôi chợt hỏi: “Ăn tết một mình cụ có buồn không?”. Cụ ngừng một lát lâu như đang nhớ điều gì rồi nói tránh đi: “Tai cụ lãng rồi, không nghe rõ lắm…”. Người phụ nữ ấy, cả đời hy sinh vì con cháu, đến cuối đời cũng chẳng nói 1 lời nặng tiếng với cháu con…

Nhiều người trong số họ đều đã hy sinh cả đời vì con cháu, nhưng cuối đời…


Chị Dương Thị Kim Sơn, phụ trách phòng quản lí hồ sơ – tư vấn cho biết: “Ở trung tâm này, mỗi cụ mỗi hoàn cảnh, đau lòng lắm nhưng mình làm gì được đâu, chỉ cố tìm hiểu hoàn cảnh để động viên, chia sẻ với các cụ thôi. Còn gì buồn bằng việc, khi còn trẻ, còn sức lực thì cố sức làm lụng, vất vả vì gia đình, về già, sức yếu thì thui thủi, lẻ loi một mình.”.

Khi trò truyện cùng chúng tôi, cụ Long, cụ Độ và nhiều cụ khác rất hào

hứng kể về những ngày có đoàn từ thiện xã hội đến thăm hỏi, tặng quà,

rồi văn nghệ, hát cho nhau nghe rất vui.

Giúp các cụ khuây khỏa, như luồng gió ấm thổi vào cuộc sống cô độc, lạnh lẽo của các cụ.

Đến thăm các cụ mới thấy cuộc sống này khó lường trước tương lai. Có những cụ lúc trẻ có 5-7 người con. Nuôi con trưởng thành, thành đạt hẳn hoi nhưng khi cha mẹ già, họ viện cớ "không có điều kiện chăm lo", đẩy thân sinh vào Trung tâm rồi cũng vì lý do"bận mưu sinh" mà chục năm chưa một lần ghé đến thăm.

Buồn nhất là khu nhà đặt cốt. Mỗi năm nhà để cốt lại tăng thêm gần 20 hủ, người đến viếng không khỏi xốn xang lòng vì các cụ "lạnh lẽo cho đến giờ phút thành tro bụi".

Chị Nguyễn Thị Lan, hộ lý đã có 10 năm công tác ở Trung tâm Thạnh Lộc chia sẻ: “Năm nào ở đây cũng có cụ qua đời. Tuổi già bệnh tật làm các cụ xuống sức nhanh lắm. Mới hôm qua còn khỏe mạnh, hôm nay đã không thể nhúc nhích được gì. Mà cũng lạ, hình như bệnh tật, khổ sở cả đời dồn vào ngày cuối hay sao ấy. Da thịt các cụ cứ như bở ra, nằm bên trái là lở bên trái, nằm bên phải là loét bên phải. Chúng tôi thường xuyên lăn trở cho các cụ nhưng vẫn không hết loét được. Vài ngày sau là các cụ qua đời…”.

Dừng một lát, chị kế: “Sáng thức giấc đến thăm các cụ mà thấy có cụ mắt mở to nằm bất động là lo lắm. Khi mất các cụ thường mở to mắt nhìn lên trần nhà, miệng mở ra, mắt không khép lại như đang còn sống vậy. Các em mới vào thì sợ lắm, nhưng mình quen rồi, đến vuốt mắt, khép miệng, chỉnh trang tư thế cho cụ rồi chờ đưa đi khâm liệm. Nghĩa tử là nghĩa tận, Mình không làm thì ai làm đây, họ có con cháu quan tâm thì cũng đã không vào đây!”.

Theo chính sách thành phố chi 5.800 đồng (kể cả gas, gạo, mắm, muối…) cho mỗi bữa ăn của các cụ. Mỗi ngày các cụ được chi thêm 1.000 đồng/ tiền thuốc. Trong khi vật giá leo thang thì khó có thể đủ dinh dưỡng cho một bữa ăn khiêm tốn như thế. Thế mà, chưa nghe cụ nào phàn nàn vì thiếu thốn, vì với người già, phần quan trọng là đời sống tinh thần, là tình cảm, là được nghe tiếng nói cười của "bọn trẻ".

Ngày này qua tháng khác, năm đến rồi năm sang, các cụ lẳng lặng chờ cho qua hết đoạn cuối cuộc đời


Tết đến là ngày con cháu quây quần bên ông bà, gia đình sum họp đầm ấm sau cả năm đi xa, lao động vất vả. Thế nhưng, tại Thạnh Lộc, Tết hình như là một cái gì đó thôi thúc, xát muối trong lòng các cụ. Tết lại đau đáu nhớ về những ngày tháng xưa cũ, với bếp than hồng, bánh chưng xanh và gia đình hạnh phúc đã mãi mãi rời xa…

Cuộc đời họ sắp hết, nhưng họ vẫn còn có nhu cầu được yêu thương, được nắm một bàn tay chân tình, chia sẻ về cuộc sống, để vơi đi nỗi buồn cô quạnh lúc về già… Nhất là trong những ngày Tết đến, Xuân sang.

Tết về, nỗi niềm cô độc giăng giăng


Tết. Với mọi người là sự sum họp, là hạnh phúc quây quần thì tết với các cụ thật là kinh khủng. Thời khắc giao thừa mới thật là nghiệt ngã. Những giọt nước mắt buồn tủi, nhớ về những ngày tháng sum vầy không bao giờ trở lại.

Sáng mùng 1, khi nhà nhà cùng nhau chúc thọ ông bà, nội ngoại thì các cụ ngồi thẫn thờ nhớ về con cháu "Cầu cho bọn trẻ bình yên". Hết nhớ gia đình xưa thì lại dõi mắt trong các đoàn đến thăm, để được nghe tiếng cười nói, để được cảm nhận mạch Xuân đang về…

Thế nhưng, những đoàn khách đến thăm như thế hiếm lắm. Hình như xã hội càng phát triển thì người ta càng dễ quên người già, nhất là các cụ già cô độc ở những viện dưỡng lão xa xôi thế này…

Để sưởi ấm trái tim hơn 300 cụ già bất hạnh, Báo Dân trí sẽ tổ chức chuyến thăm, giao lưu, văn nghệ, mang chút hơi ấm mùa Xuân đến cho các cụ tại  Trung tâm.

Tổng biên tập báo Dân trí tặng ngay 10 triệu "mở hàng". Rất mong bạn đọc gần xa hưởng ứng, chung sức cùng Dân trí.

Bạn đọc có thể chuyển hàng, quà đến trực tiếp cho các cụ theo địa chỉ:Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, số 3E Tô Ngọc Vân,  phường Thạnh Xuân, quận 12.

Hoặc chuyển đến VP đại diện của báo Dân trí tại TPHCM:

39 L đường 11, Miếu Nổi, phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Dân trí sẽ  tập hợp tiền, quà tổ chức vui Xuân cho các cụ vào thứ bảy 02/02/2013 (ngày 22 tháng chạp).

Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động bạn đọc ủng hộ các TV cũ (còn sử dụng được) để góp thêm niềm vui cho các cụ lúc "gần đất xa trời".
Tùng Nguyên - Minh Kiệt


Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)