Giảm số môn học bắt buộc
Theo đánh giá của Ban soạn thảo đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, chương trình hiện hành yêu cầu học sinh cùng một thời điểm (trong một học kỳ) học quá nhiều môn và các hoạt động. Vì vậy, chương trình sau 2015 chủ trương giảm mạnh đầu các môn học để mỗi kỳ học sinh không học cùng một lúc quá 8 môn học.
Cấp học
Chương trình hiện hành
Chương trinh sau 2015 (dự kiến)
Tiểu học
11 môn học +3 hoạt động
3-6 môn học + 4 hoạt động
THCS
13 môn học + 4 hoạt động
8 môn học + 4 hoạt động
THPT
13 môn học + 5 hoạt động
3 môn học bắt buộc, 3 môn tự chọn và 4 hoạt động (lớp 11, 12)
Bên cạnh đó, nhiều môn học mới sẽ được lồng ghép và đưa vào chương trình. Bậc tiểu học, tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội (các lớp 1,2,3) và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản,… vào các môn và hoạt động giáo dục.
Bậc trung học cơ sở, xây dựng hai môn học mới: Khoa học tự nhiên (trên cơ sở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hiện hành) và Khoa học xã hội (trên cơ sở các môn Lịch sử, Địa lý hiện hành và một số vấn đề xã hội).
Bậc trung học phổ thông, nhiều môn tự chọn hấp dẫn như Công nghệ, Khoa học về máy tính, Kinh doanh, Ngoại ngữ 2, Nghệ thuật, Hướng nghiệp sẽ được đưa vào giảng dạy.
Viết lại sách giáo khoa
Sau 2015, cấu trúc sách giáo khoa sẽ được xây dựng thành 4 phần chính. Trong đó, nội dung sách sẽ chú trọng phần mở đầu và có thêm phần liệt kê từ vựng, Index.
Nội dung sách giáo khoa sẽ được trình bày theo chủ đề thay vì tiết học như hiện nay, ứng với các tình huống tích hợp. Như vậy, sách giáo khoa cần được trình bày sao cho các chủ đề sắp xếp logic, khoa học.
Phần liệt kê các từ vựng sẽ thống kê những từ cốt lõi có giá trị như một khái niệm, thuật ngữ khoa học. Thường các từ này được in đậm trong bài khóa và cuối một chủ đề, một chương, tất cả các từ đó được hệ thống lại thành một danh sách có giá trị như một từ điển.
Index là phần chỉ dẫn ở cuối sách, trong đó liệt kê tất cả các thuật ngữ, khái niệm đặc biệt cần thiết khi biên soạn sách giáo khoa tích hợp. Phần này giúp học sinh tra cứu thuận tiện lúc cần huy động kiến thức từ các môn khoa học khác nhau trong sách giáo khoa (tự nhiên, xã hội) để giải quyết các vấn đề tích hợp.
Với cấu trúc trên, sách giáo khoa sẽ thực sự là một cẩm nang tổ chức dạy học.
Thi tốt nghiệp THPT chỉ còn hai môn
Theo đề án đổi mới giáo dục của Bộ GD - ĐT vừa được thông qua, việc thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng cần kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình học tập (chủ yếu ở cấp THPT) và kết quả thi kiểm tra kết thúc (để tốt nghiệp), kết quả thi, kiểm tra đầu vào (để tuyển sinh).
Cụ thể, với bậc THPT, học xong môn nào sẽ đánh giá luôn kết quả đạt chuẩn đầu ra môn đó. Kỳ thi cuối cùng (thi tốt nghiệp) đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực, môn học để giải quyết một vấn đề chung theo hai lĩnh vực lớn là khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên hoặc cũng có thể chỉ thi hai môn Toán và Ngữ văn.
“Khai tử” kỳ thi ba chung
Đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, thay vì duy trì kỳ thi ba chung (chung đợt, chung đề, chung kết quả) như hiện nay, các trường sẽ được tự tổ chức tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT, có thể kiếm tra thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường.
Kênh 14