Từng là đứa con ngoan ngoãn của cha mẹ. Là tấm gương học hành cho những đứa trẻ cùng xóm. Nhưng cái tuổi vị thành niên trong 3 năm THPT với nhiều khám phá và những cám dỗ của cuộc sống đã khiến Nguyễn Đức Tiến trượt dài.
Từ đặc biệt đến… cá biệt
Tiến sinh ra và lớn lên ở H.Tuy An, tỉnh Phú Yên thuộc dải đất miền Trung nghèo khó. Quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn và những chuyến ra khơi đầy sóng gió, phụ giúp cha mẹ trong chuyện đồng áng, Tiến thấm thía nỗi khổ cực của những người nông dân.
Suốt những năm học THCS, Tiến luôn đạt thành tích khá giỏi và trở thành niềm tự hào của gia đình và hàng xóm.
Nhưng cuộc sống của Tiến bắt đầu thay đổi chóng vánh khi bước vào học THPT.
Khi ấy, Đức Tiến bắt đầu bỏ bê chuyện học hành, theo đám bạn tập tành nhậu nhẹt, hút thuốc… làm người lớn. Mặc dù gia cảnh nghèo khó nhưng cha mẹ Tiến quyết định cách ly đứa con của mình với môi trường sống bê tha. Thế là, Tiến chuyển vào TP.Tuy Hòa với hi vọng thay đổi của cha mẹ…
Ngờ đâu, chốn thành phố hào nhoáng càng khiến Tiến trở nên lì lợm, bê tha.
SV Nguyễn Đức Tiến (trái) cùng bạn bè trên giảng đường đại học hôm nay - Ảnh: T.L |
Mang cái vẻ khù khờ, quê mùa vào học ở trường một trường dân lập, Tiến trở nên xa lạ trước những ánh mắt săm soi, dò xét của các học sinh thành phố. Tuy cũng có chút bản lĩnh ở quê nhưng so với vẻ “hiện đại” của nhóm học sinh thành thị thì Tiến vẫn là một “thằng nhà quê”.
Tiến luôn khép nép, sợ sệt trước tụi đầu xanh đầu đỏ, xỏ mũi bấm tai trong trường. Thậm chí, nhiều lúc Tiến run sợ đến nỗi… không dám đi vệ sinh khi có tụi giang hồ vặt trong trường đứng đó.
Nhưng số phận “chân đất” của Tiến chỉ kéo dài một năm. Hai năm còn lại thời phổ thông thì… chẳng ai dám nhìn Tiến.
“Danh tiếng” chàng trai quê mùa nhanh chóng nổi khắp trường khi Tiến xác lập kỉ lục nhậu và hút thuốc có tổ chức trong lớp. Đối với việc học thì chỉ có thể dùng từ "bất cần". Chẳng bao giờ Tiến mang nổi cuốn vở đến lớp. Mỗi lần thầy cô dò bài thì chỉ nhận được ba từ ngắn ngọn “Em không thuộc”.
|
Dần dà nhiều thầy cô cũng ngao ngán, bất lực và chẳng thèm đoái hoài gì đến cái tên Nguyễn Đức Tiến.
Động lực duy nhất để Tiến tới lớp chỉ còn là chút nghĩa vụ với gia đình và được nói chuyện riêng với mấy đứa con gái.
Phòng trọ Tiến trở thành tụ điểm đánh bài, ăn nhậu và cũng là nơi chứa chấp các "chiến hữu". Mỗi dịp cán bộ lớp đến thăm hỏi đều lắc đầu ngao ngán khi nhìn thấy “bô sưu tập” vỏ chai rượu nằm ngổn ngang trong nhà bếp. Đó là dư âm của các cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng của Tiến và những người bạn.
Sau sự kiện sa đà vào nhậu nhẹt, bỏ bê việc học, Tiến bị đình chỉ học một tuần để nhà trường mời phụ huynh lên thông báo, nhắc nhở. Những tưởng như vậy khiến Tiến sẽ sợ nhưng khoảng thời gian đó lại giúp Tiến quen thêm một tệ nạn mới. Tiến lang thang ngoài đường, giao du với một vài đại ca ở các sòng bạc vỉa hè. Số tiền 30.000 đồng/tuần để ăn sáng mà mẹ Tiến chắt góp, tằn tiện trong những ngày bán rau ở chợ không thấm thía vào đâu so với sự ăn chơi của Tiến.
Cuộc sống của Tiến càng trở nên tệ hại hơn khi không tiền mà vẫn mê chơi, chỉ còn cách duy nhất là Tiến vùi mình vào cờ bạc, đề đóm.
Trở thành kẻ lừa đảo
Tiến viện đủ thứ lí do để cha mẹ gởi tiền. Tiền học phí, tiền học thêm ngoại ngữ, tin học… Quanh năm cày ải trên nương rẫy cha mẹ nào biết con hư hỏng, đam mê cờ bạc… Kì vọng quá nhiều vào con nên cha mẹ Tiến vẫn cố chạy vạy khắp nơi để đáp ứng mong muốn nâng cao “trình độ” của con.
Một thời sa đà vào nhậu nhẹt bê tha đã cuốn Tiến rời khỏi vòng tay cha mẹ và giảng đường - Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Khi ấy, sự yêu thích của Tiến là những con số ma quái. Tiến tìm mọi lý do để xin thầy cô về sớm và chiều tối đến thì ngồi chực chờ ở trước cổng công ty xổ số, hướng ánh mắt đến bảng kết quả để tìm kiếm hi vọng. Để rồi, Tiến sa chân thật sự khi phải đi vay mượn khắp nơi. Tiến không nhớ nỗi đã có bao nhiêu chiếc xe đạp mình dối lừa bạn bè cho mượn để đi cầm cố.
Giấc mộng làm giàu của Tiến cũng đôi lần được nhen nhóm khi trúng 12 triệu đồng, số tiền lớn so với một học sinh THPT nhưng chỉ vài ngày sau thì “của vua lại trả cho chùa”.
|
Số đề như có ma lực cuốn Tiến vào những suy nghĩ lệch lạc. Hễ nghe ở đâu có “am” (lên đồng cho số) nào “linh” là Tiến với thằng bạn thân lại lần mò tìm đến để… xin lộc. Rồi thì đi cầu cơ, cầu hồn. Đi đâu, nhìn đâu cũng nghiệm ra số.
Tiến nhớ lại: “Khi đó đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến số. Đi đường nhìn thấy biển số xe lạ cũng đánh, đến nhà bạn thấy dưới đáy bình hoa bàn thờ ông địa có số cũng về làm vài lô”.
Học hành chểnh mảng nên năm cuối THPT Tiến không đủ điều kiện thi tốt nghiệp vì nghỉ quá số ngày quy định và nợ học phí. May thay, gia đình vay mượn để đóng học phí cho con và xin phép trường để Tiến được thi tốt nghiệp.
Vượt qua kì thi tốt nghiệp như một phép màu, ngộ nhận mình tài giỏi, Tiến tiếp tục thả hồn vào những con số trong đợt ôn thi đại học cấp tốc ở Quy Nhơn. Những đồng tiền mồ hôi nước mắt của ba mẹ lần lượt đội nón ra đi để đổi lấy tấm giấy báo trượt đại học của Tiến năm 2007.
Khi ấy, Tiến lạnh lùng chẳng màng suy nghĩ đến cảm nhận của cha mẹ, những người đã hết lòng yêu thương cậu. Bực tức trước những lời răn dạy của cha mẹ, Tiến quát tháo: “Không cần học con cũng có thể tự nuôi sống mình”.
Mới 18 tuổi, Tiến cứ đinh ninh cuộc đời màu hồng và cậu sẽ tự kiếm sống.
Ra đời vấp phải nhiều đắng cay, tủi hổ, Tiến mới thấm thía nỗi khổ cực của cha mẹ. Quyết tâm tìm đến con chữ như sự giải thoát cho số phận u ám, cậu bé hư ngày nào cũng hoàn thành giấc mơ giảng đường sau… bốn lần thi đại học.
Ra đời trong nước mắt
Trong xóm có rất nhiều người lập nghiệp ở Tây nguyên, Tiến nghĩ mình cũng có đủ sức vóc và may mắn nên xách ba lô ra đi mà không ngoảnh mặt nhìn ai.
Đặt chân lên Gia Lai, khi xe dừng lại quán cơm, thấy người ta tuyển người phụ việc, Tiến xin làm. Hằng ngày Tiến phải làm đủ thứ việc trong quán. Thời gian ngủ dường không có, có chăng chỉ là chợp mắt lúc đợi khách.
Kiệt sức, nghe người ta rủ lên Đắk Lắk coi rẫy cà phê, thấy bùi tai và Tiến lên đường. Thoải mái thời gian đầu, đến mùa thu hoạch cà phê một lần nữa công việc trở nên quá sức với cậu bé 18 tuổi. Ban ngày Tiến cùng mọi người hái rồi vác những bao cà phê hơn nửa tạ trên các con dốc sừng sững. Đêm đến Tiến cũng chẳng được chợp mắt vì phải canh giữ cà phê.
|
Dù mưa hay nắng trên tay Tiến luôn có một đèn pin và con dao để đi “tuần tra” canh rẫy. Chỉ một lần lơ đễnh làm mất cà phê, Tiến bị đuổi phắt ra đường.
Nghĩ mình dễ thích nghi với phố thị hơn ở vùng nông thôn, Tiến quyết định vào Sài Gòn.
Nhưng cơ hội ở đâu? Công việc sinh nhai dễ tìm nhất chỉ là một chân phụ hồ ở các công trình.
Vật vã xúc từng xẻng bê tông giữa cái nắng chói chang của mảnh đất Sài thành, chân tay Tiến bỏng rát đau buốt nhưng vẫn cắn răng chịu đựng. Nhiều lúc vác bê tông đến tróc da, nằm sốt miên man nhưng không có một đồng mua thuốc, khi ấy, Tiến đã biết ứa nước mắt nghĩ đến mẹ những lúc như thế này vẫn thường chăm nom, chiều chuộng mình.
Từ Tây nguyên, lang bạt vào Sài Gòn phụ hồ, giấc mơ ĐH của Tiến bùng cháy - Ảnh: T.L Thời điểm làm thợ hồ, Tiến tranh thủ ôn bài với quyết tâm thi ĐH một lần nữa… Ảnh: TL |
Rồi Tiến xin vào làm ở một quán bar. Những tháng ngày lêu lổng thời phổ thông, không ít lần Tiến là khách quen của các quán bar thành phố. Nhưng chưa bao giờ Tiến nghĩ sẽ có ngày mình phải đi bưng bê, mồi thuốc cho những cậu ấm cô chiêu mặt còn búng ra sữa.
Thỉnh thoảng, những lúc say, Tiến bước qua dãy phòng trọ vẫn còn sáng đèn. Nhìn các bạn sinh viên đang ôn bài, đang chia sẻ những mẩu chuyện trong thi cử, chuyện tình yêu khiến Tiến chạnh lòng, rơi nước mắt.
|
Những lúc như vậy, trong lòng Tiến trỗi dậy khao khát được đi học, được ngồi giảng đường và có một bạn gái xinh xắn.
Từ những giọt nước mắt ấy, Tiến nghĩ mình vẫn còn cơ hội. Mặc dù con đường đến với giảng đường của mình chông gai hơn người khác.
Hạnh phúc đâu dễ đến
Tiến cắn răng quay về quê, xin cha mẹ cho đi học lại.
Trước khát khao và sự thành khẩn của Tiến, cha mẹ Tiến không đành lòng nên gom góp tiền bạc để Tiến đi ôn thi. Tưởng như những cố gắng nỗ lực của Tiến sẽ được đền đáp nhưng một lần nữa số phận vẫn quay mặt.
Sáu tháng ôn thi là khoảng thời gian chưa đủ để khỏa lấp lỗ hổng kiến thức mà Tiến đã đánh mất thời phổ thông. Lần thứ hai thi trượt đại học năm 2008 khiến Tiến như muốn ngã quỵ.
Trước áp lực từ gia đình, Tiến "chọn đại" một trường cao đẳng ở Đà Nẵng để ba mẹ an tâm. Gói gọn những day dứt, hổ thẹn vào một góc nhỏ trong lòng, Tiến coi Đà Nẵng như điểm dừng chân cuối cùng của kẻ thất bại. Nhưng chính nơi đây lại đưa Tiến đến tấn bi kịch mà cho tới bây giờ, Tiến vẫn còn nhớ mãi.
Vì không muốn thua thiệt bạn bè, Tiến âm thầm thi lại đại học. Nhưng cùng lúc, Tiến không thể gồng gánh chương trình ôn luyện đại học và chương trình học ở trường cao đẳng.
Thi trượt năm 2009, Tiến như người điên
Mải mê chạy theo những thứ không thuộc về mình để khi dừng lại thì mọi chuyện đã quá muộn. Vỡ mộng đại học lần thứ ba, lại còn nợ môn ở trường CĐ, cảm giác chơi vơi khiến Tiến như mất định hướng.
|
Mặt khác, cái tôi trong Tiến cứ giằng xé: “Là đàn ông ngã chỗ nào đứng dậy chỗ đó. Còn trẻ thì hãy làm những gì mình thích đừng để sau này phải hối hận”.
Thế là, Tiến lại lén gia đình âm thầm vào Sài Gòn với quyết tâm cao độ, không đậu đại học không về nhà.
Trong khoảng thời gian chờ thi đại học Tiến lại tìm đến công việc phụ hồ quen thuộc. Ban ngày miệt mài làm việc ở công trường, đêm về luyện thi trên chiếc võng dù ố bạc.
Nhiều lúc mệt mỏi, úp sách trên mặt muốn ngủ thiếp đi nhưng Tiến lại nhớ đến những lời động viên của mẹ. Cổ họng nghẹn đắng, nước mắt lăn dài trên đôi gò má hốc hác, Tiến lại ngấu nghiến học.
Hồi đó, con đường Lê Văn Lương Q.7, nơi Tiến phụ hồ, đỏ rực màu chôm chôm. Nhiều lúc đi làm về muốn mua một ký chôm chôm ăn cho đã thèm. Nhưng những lo toan tiền bạc còn đầy ắp đó, Tiến chỉ biết tự an ủi chừng nào thi đỗ đại học thì mua về mừng tiệc.
Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ
Ngồi trước hội đồng thi với vẻ mặt từng trải, Tiến nhâm nhi ly cà phê, phì phèo điếu thuốc. Chẳng ai nghĩ Tiến là thí sinh bởi khuôn mặt già dặn và bộ quần áo còn bốc mùi xi măng.
Thi xong, Tiến lại trở về đồng hành với chiếc xe rùa từ công trình này đến công trình khác. Mặc dù đã có nhiều "kinh nghiệm", nhưng lần này Tiến lại không dám đối mặt với kết quả thi đại học của mình.
Niềm vui sướng khó có thể tả thành lời. Mẹ Tiến đã khóc, những giọt nước mắt chứa chan hạnh phúc. Những giọt nước mắt ấy là tấm lòng cao cả của người mẹ già luôn hết lòng vì con. Đứa em gái cũng lăn tăn chạy khắp xóm để chia sẻ niềm vui cùng người anh trai phương xa. Không còn tủi hổ, không còn day dứt, những vết thương âm ỉ trong lòng Tiến bỗng nhiên lành lặn đến lạ thường. Cảm giác có lỗi với gia đình vơi đi trước thời khắc “lịch sử” ấy. |
Hôm ấy, trên con đường Lương Định Của (Q.2), có một kẻ phát điên vì hạnh phúc.
Mẹ Tiến đã khóc, những giọt nước mắt chứa chan hạnh phúc. Đứa em gái cũng lăn tăn chạy khắp xóm để chung niềm vui cùng người anh trai phương xa.
Cánh cửa tương lai đã rộng mở nhưng sự tin tưởng mà Tiến đã đánh mất trước đó khiến cha của Tiến phản đối kịch liệt. Ông không cho Tiến học ĐH, ông không tin con mình sẽ trưởng thành và cứ bị ám ảnh chuyện “bỏ ngang” của Tiến.
Tiến không dám oán trách, hoài nghi của cha. Tiến thuyết phục ông bằng sự hối cải ẩn chứa đầy khát khao. Sau nhiều ngày suy nghĩ, một lần nữa, ông tha thứ cho lỗi lầm của đứa con lì lợm của mình.
Tiến đến giảng đường đã được 3 năm ở một ngành "hot": Báo chí - Truyền thông nhưng chàng trai trẻ vẫn luôn biết mình chỉ mới bắt đầu trong một chặng đường mới, đầy thử thách phía trước.
Giờ đây, mỗi dịp tết, mang chiếc ba lô về nhà, đôi chân Tiến không còn nặng trĩu như trước. Bởi bên bụi tre trước nhà cả gia đình đang đứng đợi Tiến. Mẹ Tiến đã bày biện sẵn những món ăn mà Tiến thích.
Cả gia đình lại sum vầy bên bữa cơm ấm cúng và đầy ắp tiếng cười…
Toàn Liêm