[size=4]Những đồng tiền xu được tung ra hứa hẹn một tương lai với những chiếc máy bán hàng tự động, trạm điện thoại công cộng tối tân, trạm tàu điện ngầm và những bến xe buýt hiện đại. Nhưng có vẻ như cái ngày đẹp trời ấy vẫn còn xa lắm khi chỉ số văn minh của một số teen vẫn còn đang ở tình trạng “cần xóa mù”.
Những cô gái vô tư[/size]
Phải xếp hàng thứ tự ở nơi công cộng đã trở thành chuyện “nói, nói nữa, nói mãi” đến mức phải “nói lại từ đầu”. Chưa cần phải “lội” đến những nơi như trong siêu thị, nhà sách chi cho tốn công, chỉ cần nhìn vào cái bãi giữ xe ở các trường THPT là đã đủ rõ ngọn ngành rồi.
N.Nhân (lớp 11, trường N.C.T) thỉnh thoảng lại có dịp “uất hận” kể lại với bạn bè về cái lần mình bị “chà đạp” (đúng nghĩa đen) ngay tại bãi gửi xe của trường. Vừa mới thòng một chân trái xuống đất để trả tiền gửi xe, thì đã có một “nữ ninja” vù xe máy qua mặt, nhân tiện “chà” luôn hai cái bánh xe to càng lên trên cái bàn chân “vốn đã nhỏ, nay lại càng…nhỏ hơn” của Nhân, chỉ vì muốn đỗ xe được một chỗ tốt hơn. Chưa kể, nhìn cái bãi gửi xe xếp ngang, đỗ dọc như thế, giờ cao điểm, bạn nào muốn lấy xe ra cũng phải chịu khó ngồi “hút trà đá” đến cả tiếng là ít.
N.Minh (lớp 12, trường C.V.A) có một thói quen rất “trí thức”. Mỗi sáng Thứ bảy, Chủ nhật được nghỉ học, cô nàng lại “vác” cặp kính cận kéo lũ bạn đến các nhà sách, không quên thủ theo một cây viết, và hai ba tờ giấy trắng. Minh ngồi bệt xuống ngay quầy truyện tranh, say sưa đọc ké, thỉnh thoảng lại cười khúc khích. Hôm nào hứng chí quá thì dùng cây viết vẽ nguệch ngoạc vào quyển sách để…ghi chú. Có hôm, say sưa “nghiên cứu” thế nào mà Minh dựa hẳn vào kệ để sách, mồ hôi mồ kê nhễ nhại ướt cả chồng sách truyện, để rồi sau đó phải lấp liếm bằng cách tráo qua lại giữa các cuốn sách. Chẳng vậy mà gần như tất cả các nhà sách lớn nhỏ Minh đi qua đều để lại đằng sau những “cặp mắt hình viên đạn” của các anh chị nhân viên.
Nhưng có lẽ chưa ai có sở thích xả xì trét lạ kỳ như T.Hương (lớp 10A…, trường N.T.T). Mỗi lần “không thiết tha” với bài vở là mỗi lần các nhân viên trong siêu thị, nơi T.Hương đến lại một phen có dịp hùng hục làm việc. Chẳng là, Hương vô tư chất hàng đống bánh, kẹo, mì gói, đồ chơi, cho đến rượu, nước ngọt, nồi niêu xoong chảo…vào cái xe đẩy hàng kềnh càng dạo khắp một vòng siêu thị. Cho đến khi không thể chất nữa thì mới quay ngang, liếc dọc để tìm “bãi đáp” cho chiếc xe đẩy, rồi chuồn nhanh ra khỏi cửa. Báo hại các anh chị nhân viên vào cuối ngày phải đẩy xe lại từng gian hàng để xếp đồ lại vào chỗ cũ. Hương cần phải học nhiều lắm, mới có thể tăng chỉ số văn minh cá nhân lên tầm cao mới.
[size=4]Những anh chàng phá phách[/size]
Nói là teen bận “trăm công nghìn việc” thì cũng thật đấy, nhưng đôi khi cũng rảnh đến…ngạc nhiên, vì vẫn còn khối thời gian để đi “góp vui” thiên hạ. Thấy thích thích: Phá. Thấy chướng tai gai mắt quá: Phá. Thấy mọi người phá mình cũng tham gia cho có tụ.
Đêm giao thừa năm rồi, Thế Khang (16 tuổi, Q.4) đã làm cho bà chị của mình suýt xỉu khi thấy cu cậu vác về một nhánh “lộc” to, dài tới 6-7m. Mấy bác nghệ nhân chăm sóc cây cảnh mà nhìn cái kiểu “hái” lộc kỳ quái này của Khang, chắc chỉ còn nước xỉu, tỉnh lại, xong rồi lại xỉu tiếp. Không chỉ Khang, mà rất nhiều bạn khác đã có kiểu hái lộc như thế, còn gì là thành phố?
Gần đây nhất là đợt chỉnh sửa dung nhan với “qui mô lớn” trên các poster của ca sĩ (dán khắp các cột điện). Kẻ không râu thì thành có râu, làn da láng mịn và sạch mụn thì đầy nhóc nốt ruồi, mái tóc óng mượt như vừa được duỗi thì biến thành một cái ổ mà…quạ cũng phải chê. Nhân vật chính của trong các tấm ảnh mà thấy “chân dung mùa hạ” của mình như thế thì chỉ có nước muốn…bỏ nghề.
Cách đây hai năm, những người sống gần sân vận động tỉnh T.G đã được một dịp xem “Gala cười” miễn phí khi trước sân vận động là một tấm băng rôn to đùng ghi “Giải vô địch quần vợt cấp tỉnh”, bị một “nhân” ưa phá phách nào đó đã lấy đi mất chữ T trong từ “quần vợt”. Rồi tấm biển “cấm ba gác máy” đã được “lịch sự” gỡ mất chữ Y… (!!!)
Dù sao, những kiểu “thiếu văn minh” còn chấp nhận phần nào ở một vài lí do củ chuối, nhưng “bây giờ người mắc bệnh “tiểu đường” ngày càng nhiều”(?!), đấy là kết luận của N.Hân (L.H.P) nói về hội chứng khoái “tường đè” của các bạn nam. Lời biện hộ “không tìm thấy toilet công cộng” chỉ là cái cớ khi mà lý do thật sự của các nhân này vẫn là “như vậy cho… tiện”.
Bạn sẽ nghĩ gì khi những hình ảnh xấu xí ấy cứ vô tư lọt vào mắt các khách du lịch ngoại quốc khi đến thăm Việt Nam? Đã có vô số các biện pháp đưa ra, từ nhu tới cương, thậm chí là xử phạt hành chính, nhưng mọi chuyện vẫn “nguyễn y vân”.
[size=4]Từ tự trọng đến văn minh[/size]
Chúng ta cứ hay than phiền rằng, dân teen không được thoải mái khi đi shopping. Nhất là khi các mặt hàng luôn được để trong tủ kính hoặc có người canh giữ 24/24.
Chúng ta cũng cứ than phiền rằng tại sao đã lắp cái máy thu tiền cước tự động rồi mà vẫn phải bố trí hàng loạt người đứng canh như thế…Họ còn than phiền rằng các DS (Department Store) của mình không được như ở bên…Singapore, nơi mà hàng hoá được trưng bày rất nhiều và khách có thể cầm lên xem rất thoải mái. Nhưng thử nghĩ xem, nếu hàng hoá được bày la liệt và khách vào xem được thoải mái cầm, sờ mó ngắm nghía như thế, thì liệu món hàng đó có còn nguyên vẹn khi đến tay người thứ hai không?
Văn minh không chỉ là bấm tin nhắn nhanh hơn tốc độ nói, không chỉ là tay thì xách máy laptop, tai thì lủng lẳng cái Ipod đắt tiền. Văn minh còn thể hiện từ trong ý thức, hành động, lời nói của những bạn trẻ được xem là luôn update thông tin với vận tốc ánh sáng. Việt Nam liệu có thể văn minh hiện đại được chăng khi bên cạnh các hệ thống tàu điện ngầm, những trạm điện thoại xinh xắn dành cho tiền xu sẽ lại còn đầy ra đấy những buồng điện thoại công cộng như một bãi chiến trường, những nhà chờ xe buýt với vô số các loại rác không tên và có tên?
Bạn cư xử văn minh, đó là khi bạn cư xử tự trọng và phù hợp!
Huỳnh Mỹ Cần (Quận 1)
Copy từ: http://forum.buonchuyen.info