Teen 24h 2008-09-03 02:56:10

Bỏ học đi đãi vàng ...nhìn tội nghiệp lắm bạn à..hjx


Thằng bé ôm tảng đá lớn bằng nửa thân mình từ tay người đàn ông ngập sâu dưới hố đào. Cứ mỗi lần thằng bé ôm viên đá lớn, bụng nó thắt vào trong, đôi chân quăn lại choi choi trên bãi đất đá…



Kiếm sống giữa bãi vàng

12h trưa, bãi vàng sa khoáng bên mép sông Đakrông, đoạn qua xã Tà Rụt im ắng. Khi chúng tôi đến, có ba con người, hai ở tuổi trung niên, một chừng mười lăm tuổi. Thằng bé ôm tảng đá lớn bằng nửa thân mình từ tay người đàn ông ngập sâu dưới hố đào, lảo đảo tập kết nó ở một điểm cách xa chừng chục bước chân. Tôi để ý, cứ mỗi lần thằng bé ôm viên đá lớn, bụng nó thắt vào trong, đôi chân quăn lại choi choi trên bãi đất đá.

Người đàn ông dưới hố đào cho biết tên anh là Hồ Văn Kiêng ở thôn Tà Rụt 2, xã Tà Rụt, đã có hai đời vợ. Người vợ đầu bị TNGT mất cách đây 3 năm. Chị mất để lại cho anh hai đứa con, đứa đầu đang cùng cha đào đãi vàng ở đây, tên là Hồ Văn Tha (17 tuổi), đứa thứ hai 5 tuổi. Sau khi vợ mất, theo phong tục tập quán, anh lấy em gái vợ, có thêm một đứa con, nay mới 2 tuổi.

Người kia là anh ruột của mình, tên là Ôn Giêng cũng có 3 người con, đứa lớn 18 tuổi, đã bỏ học cách đây mấy năm để cùng bố mẹ đào đãi vàng sa khoáng. Tôi hỏi anh Kiêng, cháu Tha còn đi học không? Anh chùng giọng cho biết, bỏ học lâu rồi, từ năm lớp 2 và cùng bố đi đào đãi vàng từ đó.




Tuổi thơ cơ cực



Tầm 1h chiều, bãi vàng sa khoáng nơi bố con Tha và người bác ruột đang hì hục đào bới, có đông người đến hơn. Trong số đó, một nhóm trẻ con đông tới chục đứa, trong có những đứa mang theo cả đồ chơi là những chiếc can nhựa, gắn bốn cái bánh và một sợi dây cước. Tranh thủ lúc bố chưa lắc được viên đá, Tha mượn đồ chơi của bạn kéo quanh bãi đất, đá mấy vòng.




Khi bố Tha lên khỏi cái hố, cùng Tha cho đất, đá (được coi là có vàng) vào hai cái máng tôn, đưa ra sông Đakrông, ngồi bệt chỗ nước cạn, đỏ **c như bí ngô, chao máng nhẹ nhàng, lướt qua về dưới nước, cho đến khi đọng lại trong máng một vệt đất màu đen, trong có ánh sáng vàng yếng. Bố con Tha bỏ thứ này vào một cái chén nhỏ.

Tôi nhận thấy giữa bãi đất, đá còn có bốn con người đặc biệt. Một người đàn bà trông ngoài 50 tuổi, ngập sâu dưới một hố đào, nước dâng tới ngang cằm chị. Người đàn bà ấy dùng cái thuốn sắt thọc quanh đáy hố, chừng năm phút một lần, ngụp sâu xuống dưới, hai bàn tay đưa lên bờ hố nắm đất, đá đen ngòm.

Tôi hỏi chị bao nhiêu tuổi, có mấy đứa con? Chị nhanh nhẩu: "Ba mươi tuổi, bốn đứa con". Đang lúc nghỉ mệt, chị buồn bã nói: "Chồng ở nhà uống rượu, không có khi mô chịu khó đi làm. Mình sức khỏe yếu, nhưng cũng phải làm, nếu không, ai nuôi bốn đứa con học cái chữ".




Ngụp lặn dưới hố đào, mót vàng sa khoáng nuôi con.


Giữa bãi vàng, ông lão tầm 70 tuổi lên tiếng: "Hồ Thị Thui đó, năm nay 50 tuổi rồi, nhưng lúc nào cũng nhận mình 30 tuổi thôi. Hắn sợ tuổi lớn, sức khỏe yếu không ai nuôi bốn đứa con nó ăn học đó".

Ông lão cho biết tên là Côn Hươm và bà lão bên cạnh hố đào là vợ của ông. Ông bà có 7 người con đều đã có gia đình. Sở dĩ ông bà đi mót vàng (bãi vàng sa khoáng này đã nhiều năm bị đào nát) là vì 3 cháu nội và bốn cháu ngoại. Ba mẹ chúng nghèo, không nuôi nổi, để chúng đi kiếm cái ăn giữa bãi vàng không đành, nên mặc dù tuổi cao, ông bà vẫn phải đào bới, kiếm tiền sách vở cho các cháu.

Người đặc biệt còn lại là em Hồ Văn Mân, học sinh lớp 7, Trường THCS xã Tà Rụt. Em cho biết, mình mồ côi ba lâu lắm rồi, hiện ở với mẹ là Hồ Thị Lột ở thôn Tà Rụt 2. Mẹ đau ốm luôn nên em một buổi đến lớp, buổi còn lại quăng quật giữa bãi vàng.

Chôn vùi tuổi thơ giữa bãi vàng

Một cán bộ xã Tà Rụt cho biết, tình trạng học sinh bỏ học đi đào đãi vàng có từ cách đây 10 năm, nhưng rộ lên nhiều nhất vài năm trở lại đây. Ngoài mót vàng sa khoáng dọc mép sông Đakrông, các em còn thành lập nhiều tổ, đi sâu vào rừng già, đến các điểm quặng vàng lớn như khe Đang, khe Poóc. Tuy nhiên, mỗi khi vào đến đây, các em đều phải làm thuê cho các chủ nậu vàng và khó có thể trở ra được. Các chủ nậu vàng ở đây luôn sử dụng thủ đoạn cho các em hút, chích ma tuý để trở thành nô lệ của chúng.

Các năm 2005, 2006 và 2007, không ít lần, lực lượng Công an huyện Đakrông tổ chức truy quét, đẩy đuổi "vàng tặc", phát hiện ra các em, đưa về địa phương, song chỉ thời gian ngắn sau, các em lại tự tìm vào bãi vàng.

Học sinh bỏ học đi đào đãi vàng không chỉ có ở xã Tà Rụt, mà các địa phương lân cận, trong đó nhiều nhất là xã A Vao, A Bung với số lượng lớn vài chục em mỗi năm đều đã "gửi" thân mình ở những bãi vàng giữa rừng sâu nước độc.



Chôn vùi tuổi thơ giữa bãi vàng


Em Côn Pay ở thôn Tân Đi 1, xã A Vao cho biết em bỏ học cách đây 3 năm, cùng chúng bạn trong thôn đi đào đãi vàng ở khe Đang. A Pay tiếc rẻ rằng, mấy năm trước, mỗi ngày đêm, các em và dân bản tổ chức đào đãi vàng với 12 lao động cùng các máy móc, mỗi ngày đêm kiếm được trên 50 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi người kiếm được trên 3 triệu đồng/ngày đêm. Nhưng kể từ sau khi chính quyền tỉnh cho nổ mìn đánh sập các hố vàng (giữa năm 2008), với số người và máy móc ấy, chỉ kiếm được 20-25 triệu đồng/ngày đêm.

Thầy giáo Lê Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS xã Tà Rụt ngậm ngùi cho biết, hiện trường có 13 lớp học sinh THCS với 420 em, 8 lớp THPT (trường nhô) với 330 em. Từ đầu năm học đến nay, lãnh đạo nhà trường rất lo ngại với tình trạng học sinh của trường bỏ học đi đào đãi vàng. Riêng xã A Vao, năm học 2007-2008, có 21 em tốt nghiệp THCS, nhưng đến thời điểm này (23/8/2008) chỉ có 8 em xin nhập học.
Trên thực tế, có không ít học sinh con em của những gia đình khá giả vẫn bị cuốn theo cơn lốc vàng. Cụm thị tứ Tà Rụt nay không còn như ngày xưa, kể từ khi dân đào đãi vàng tứ xứ ập đến đây, vùng bản vốn bình yên này đã trở thành "thị tứ vàng" với đủ loại tệ nạn
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)