“Chợ phao” hoạt động ráo riết trước mùa thi 2013. Ảnh: Vietnamnet. |
Như vậy, cứ đằng thẳng mà hiểu theo đúng chỉ đạo như thế này: các địa phương sẽ chỉ đạo báo chí, nếu có tin tức về tiêu cực thi cử, thay vì đăng tải công khai trên báo chí, sẽ phải đến “xin phép” các cơ quan có trách nhiệm, nếu chưa xin thì chưa được đăng.
Bình luận về văn bản lạ kỳ này, nhà báo Lê Thanh Phong của Báo Lao động cho biết: “Bộ trưởng không thể đề nghị chủ tịch UBND các địa phương “chỉ đạo các cơ quan truyền thông” được. Báo chí, nhà báo hoạt động theo Luật Báo chí, làm sao có thể có quy định một ông chủ tịch của tỉnh, thành phố chỉ đạo báo chí được viết hay không được viết điều gì? Luật không quy định chủ tịch tỉnh có quyền chỉ đạo báo chí, tại sao bộ trưởng lại có công văn chính thức đề nghị các vị chủ tịch làm điều trái luật như vậy?”
Chính vì vấn đề gây sốc này nên bên lề kỳ họp Quốc hội, khi trả lời phóng viên, giải thích rõ hơn về văn bản “chỉ đạo báo chí” của Bộ Giáo dục đào tạo, ông Phạm Vũ Luận- Bộ trưởng cho biết: “Quan điểm của tôi là chúng ta không nên vội vàng trong việc xử lý, khi đã có chứng cứ rồi thì một ngày sau, hai ngày sau cũng không mất đi. Còn nếu sau một ngày không xác minh được nữa thì phải rút kinh nghiệm về mặt nghiệp vụ, còn nếu đưa ngay lên những thông tin gây sốc sau này không đúng thì sẽ không có lợi cho các cháu trong kỳ thi”.
Nghe giải thích của ông Bộ trưởng thì thấy, đó là do Bộ lo cho tâm lý của các cháu học sinh thôi, thế nên báo chí phát hiện tiêu cực thì hãy cứ để đợi đấy, còn phải xác minh, “cơm không ăn gạo còn đó”, lo gì, chính xác hơn thì phải nói là: Tiêu cực, sai phạm, gian dối,…dù báo chí có gào lên hay im lặng không nói gì trước công luận thì nó vẫn chình ình ở đó thôi, nó có chạy đi đâu mà sợ nhỉ? Thôi thì hãy gặp chúng tôi trao đổi kỹ, đại sự nghiêm trọng sẽ thành trung sự, trung sự sẽ thành tiểu sự mà tiểu sự thì hóa phép thành không có gì. Đấy là nguyên tắc ứng xử một trăm cái lý không bằng một tí cái tình, mọi việc đều tốt đẹp chả hơn sao? Cũng cái câu "Nói không với tiêu cực, gian dối…" sao không nói một cách dễ nghe, ai cũng nghe lọt và hài lòng: "Không nói tới tiêu cực, gian dối…."?
Mà chúng ta là người lớn, là những nhà giáo dục đấy nhé, tất cả phải vì đám học trò đang lo sốt vó để kiếm tấm bằng chứ? Các nhà báo kêu gào chỗ này có tiêu cực, chỗ kia có gian lận….rồi nói Bộ GD chúng tôi mắc bệnh thành tích như mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối nhưng sao các nhà báo không vắt tay lên trán mà nghĩ xem có phải chính các nhà báo cũng mắc bệnh thành tích ưa phát hiện, xoi mói những lỗi lầm của cả xã hội đấy thôi? Cùng một duộc cả thôi, lòng vả cũng như lòng sung, một trăm lòng vả, lòng sung thì cũng chỉ là…một lòng, đâu có sự khác biệt nào?
Ai cũng biết, cơ quan báo chí là cũng là một chủ thể độc lập, hoạt động của các nhà báo cũng phải tuân theo luật pháp và Luật Báo chí, nếu đưa thông tin sai, gây hậu quả xấu, đương nhiên cá nhân nhà báo và tòa soạn đã phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản và cao nhất là pháp luật. Vậy tại sao Bộ lại đi làm chuyện hơi thừa, đòi “kiểm duyệt” thông tin tiêu cực thi cử trước, rồi báo chí mới được đăng tải, nếu như vậy thì khái niệm “tự do báo chí” nên hiểu thế nào đây?
Tình trạng tiêu cực trong thi cử nhiều năm nay đã diễn ra, cũng nhờ có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí mà xã hội mới lần lượt lôi ra ánh sáng bao nhiêu vụ như vụ gian lận thi cử ở trường THPT Phú Xuyên A, Hà Tây (cũ) ngày 2-6-2006, vụ quay cóp ở trường PTTH Đồi Ngô (Bắc Giang) mùa thi năm 2012… Nếu cứ làm đúng theo văn bản chỉ đạo này, liệu những vụ việc động trời như thế có ngay lập tức xuất hiện trên mặt báo để kéo cả xã hội vào cuộc hay sẽ bị nguội đi sau một quá trình chờ các lãnh đạo địa phương “thẩm định”?
Trong những thí dụ “tiêu cực” mà Bộ liệt kê trong văn bản của mình như “lộ đề thi, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi” có thể thấy, đó là những sai sót chủ quan trong thi cử của ngành giáo dục, vậy có khác nào Bộ ra một văn bản đòi hỏi báo chí: “hễ phát hiện ra khuyết điểm của tôi thì phải báo cho tôi, trao đổi kỹ với tôi thì mới được đăng”. Chuyện “lạ lùng” này là ở chỗ đó.
Nếu tự tin ở bản thân mình và có tinh thần cầu thị với những góp ý của các cơ quan báo chí, chắc chắn Bộ sẽ không thể đưa ra một văn bản đề nghị những hành vi trái với Luật Báo chí như vậy.
Nhìn vào bảng vàng thành tích đỗ tốt nghiệp PTTH của Bộ công bố hàng năm, mấy năm gần đây có thể rút ra kết luận học sinh chúng ta học càng ngày càng giỏi. Bằng chứng là năm 2010 là 92,57%, năm 2011 là 95,72%, năm 2012 là 97,63%, ấy là các năm trước, báo chí còn chưa bị chỉ đạo và chuyện tiêu cực vẫn được đăng thoải mái. Còn năm nay, giả sử các địa phương tuân theo văn bản mà “chỉ đạo báo chí” để mọi chuyện êm như ru thì chắc tỷ lệ đỗ tốt nghiệp càng phải cao hơn nữa.
Nói mãi về bệnh thành tích trong giáo dục biết bao nhiêu năm nay mà tình hình vẫn chưa chút biến chuyển, nay Bộ Giáo dục lại ra thêm một văn bản chỉ đạo thực hiện triệt để câu châm ngôn “tốt khoe, xấu che” như thế này thì bệnh khác nào đã ở tình trạng “phúc thống” lại được “phục nhân sâm”?
Ông Tuân Tử có câu: “ Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ là kẻ thù của ta vậy”. Mang câu này để xét với văn bản “chỉ đạo báo chí” của Bộ Giáo dục đào tạo thì không biết nên hiểu thế nào?