Nếu đã từng đi máy bay, có lẽ bạn sẽ thấy một lỗ nhỏ ở cạnh dưới cửa sổ máy bay. Chi tiết đặc biệt này có chức năng vô cùng quan trọng trong việc giữ an toàn cho máy bay.
Lỗ nhỏ ở cạnh dưới cửa sổ máy bay có chức năng vô cùng quan trọng trong việc giữ an toàn cho máy bay
Phi công Mark Vanhoenacker mới đây chia sẻ bí mật về cái lỗ nhỏ nằm trên cửa kính máy bay khiến nhiều người bất ngờ. Anh kể rằng bạn bè vẫn thường cười nhạo mỗi khi anh yêu cầu được ngồi ghế cạnh cửa sổ trên mỗi chuyến bay đi du lịch cùng cả nhóm. Họ nói rằng anh là một phi công, suốt ngày ngồi cạnh cửa sổ mà vẫn chưa thỏa mãn sao?
Tuy nhiên, theo anh bên trong buồng lái và ngoài khoang hành khách có nhiều sự khác biệt. Một hành khách có thể tự do trải nghiệm chuyến bay mà trước giờ làm phi công không thể tận hưởng hết. Họ được nghe nhạc, thoải mái ngắm thế giới bên dưới tầng mây chứ không phải chỉ chăm chăm hướng mắt trên trời khi làm nhiệm vụ lái máy bay. Vị trí ghế ngồi cạnh cửa sổ giống như bạn vào quán cà phê và lựa chọn vị trí đẹp nhất để ngắm cảnh đường phố vậy.
Tuy nhiên, điều thú vị nằm ở chỗ nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy chiếc lỗ nhỏ nằm ở cạnh dưới ô cửa sổ trong khoang hành khách. Theo khoa học nó được gọi là lỗ thở hay lỗ chảy máu, đảm nhận chức năng quan trọng trong việc giữ cân bằng áp suất cho máy bay.
Cửa sổ ở khoang hành khách có 3 tấm riêng biệt làm bằng vật liệu acrylic. Mục đích của tấm trong cùng hay còn gọi là tấm chống xước để bảo vệ hai tấm bên ngoài.
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy lỗ nhỏ nằm trên tấm giữa của ô cửa số 3 tấm trên mỗi máy bay
Tấm ở giữa (với lỗ thở nhỏ phía dưới) và tấm ngoài cùng là quan trọng hơn cả. Khi máy bay tăng độ cao, áp lực không khí ở cả cabin và bên ngoài đều giảm, nhưng tất nhiên, bên ngoài sẽ giảm nhiều hơn, vì hệ thống điều áp của máy bay sẽ giữ cho áp suất ở bên trong ở mức an toàn nhất. Điều đó có nghĩa rằng trong suốt chuyến bay, áp suất bên trong máy bay luôn lớn hơn bên ngoài.
Và hai tấm ngoài cùng được thiết kế để có thể gánh chịu sự khác biệt áp suất giữa bên trong và bên ngoài. Cả tấm ngoài cùng và ở giữa đều phải đủ chắc chắn để chịu đựng áp lực lớn. Tuy nhiên, do lỗ nhỏ ở tấm giữa nên trong trường hợp thông thường, chỉ có tấm ngoài cùng chịu hết áp lực này.
Marlowe Moncur, Giám đốc kỹ thuật của GKN, trưởng khu sản xuất cửa sổ máy bay trên khoang hành khách, nói rằng: “Mục đích của lỗ nhỏ ở tấm giữa là để cân bằng áp lực bên trong khoang hành khách và khoảng trống giữa 3 tấm. Do vậy, trong suốt chuyến bay chỉ có tấm ngoài cùng là phải chịu hết áp lực”.
Tuy nhiên, trong trường hợp tấm ngoài cùng bị vỡ hoặc không còn khả năng chịu áp lực, tấm giữa sẽ đóng vai trò thay thế. Khi đó, lỗ thở ở tấm giữa sẽ cho luồng không khí nhỏ đi qua nhưng hệ thống điều áp của máy bay sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề này.
Bên cạnh đó, Bret Jensen, một kỹ sư máy bay cao cấp của hãng hàng không Boeing cho biết thêm chiếc lỗ nhỏ ở tấm giữa còn có nhiệm vụ ngăn ngừa ẩm và tuyết bám tụ trên cửa sổ.
Do vậy, mỗi khi đi qua các đám mây, cửa sổ máy bay không bao giờ bị mờ đặc.