Tôi có thói quen vào Google tìm thông tin trước mỗi chuyến công tác ở một địa danh mới. Cũng vì lẽ đó mà trước khi đặt chân đến nơi được coi là thủ phủ của cà phê VN tôi biết tại đây đang tồn tại loài cổ thực vật đặc biệt quý hiếm không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới: Thuỷ tùng!
Thú thực chưa biết gỗ thuỷ tùng như thế nào nhưng khi nhìn những chiếc lọ lục bình bày kín trong phòng ở một cửa hàng tại thị xã Buôn Hồ, ai trong chúng tôi cũng phải trầm trồ bởi vân của chúng tựa như bức tranh thuỷ mặc, không chiếc nào giống nhau về hoa văn và màu sắc. Chủ nhà phân loại cho chúng tôi: Tùy theo độ tuổi mà thủy tùng có vân gỗ và màu gỗ khác nhau. Phần lớn gỗ thuỷ tùng hiện nay là do đi “mót” ở dưới các hồ, nương, rẫy nên đối với thủy tùng cổ thụ, ngâm dưới đất, nước lâu sẽ có màu đen gụ, trung bình thì có màu vân xanh đen, đây là màu đặc trưng và đẹp nhất của gỗ thuỷ tùng, loại mới khai thác thì có màu nâu đỏ… Đặc trưng của gỗ thủy tùng là có mùi thơm hắc, gỗ mềm, dẻo, rất bền, không bị mối mọt, cong vênh…
Tôi quay sang một cặp lục bình cao khoảng 50 cm hỏi giá. Chủ nhà liền vỗ vai tôi bảo: Bác tinh thật đấy, đây là cặp lục bình không có chút tì vết, hoàn hảo, em làm định để chơi, nhưng bác thích em sẽ để cho bác giá đúng 5 triệu đồng…
Khu rừng cổ nhất thế giới
Nếu như coi thuỷ tùng là loại cổ thực vật lâu đời nhất thế giới còn tồn tại thì cũng có thể ví quần thể thuỷ tùng tại Ea Ral là khu rừng cổ nhất thế giới. Do nằm giữa khu hồ sình lầy và được bảo vệ bởi hàng rào dây thép gai nên chúng tôi không thể lại gần nhưng quan sát từ xa phần ngọn của hầu hết các cây thuỷ tùng đã có dẫu hiệu cằn cỗi. Ngay phía mé hồ, một ngôi nhà được xây dựng khá kiên cố bên trên treo tấm biển: “Trạm quản lý bảo vệ thuỷ tùng Ea Ral”. Trạm này có 6 kiểm lâm viên thuộc biên chế Hạt kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk được điều về đây để cắm chốt 24/24 tính ra mỗi người phải canh hơn 4 chục gốc cây.
Hồ Ea Ral gọi là “nghĩa địa” thủy tùng cũng đúng mà gọi là thủ phủ thuỷ tùng cũng có lý bởi ngoài quần thể hơn 270 cây thuỷ tùng còn sót lại phía dưới lòng hồ còn rất nhiều thân gỗ, gốc thủy tùng… Những năm cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, cả khu vực hồ Ea Ral hiện nay bạt ngàn thuỷ tùng. Khi Nhà nước có chủ trương phát triển cây cà phê trên mảnh đất này và quy hoạch khu vực Ea Ral làm hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu người dân còn được huy động đi đốn thuỷ tùng để làm đập ngăn hồ chứa nước. Cây nào to thì họ lấy về làm cột nhà, cọc trồng tiêu, dựng chuồng bò, lán canh, cây bé, cành nhỏ thì làm củi đun…
Long đong số phận thủy tùng
Tại Hạt kiểm lâm Ea Hleo, ông Phạm Quang Vinh, Hạt trưởng cho biết: Gỗ thuỷ tùng chỉ thực sự “sốt” trong thời gian vài năm gần đây, nhất là sau khi có một chương trình trên truyền hình đưa thông tin cây thủy tùng có thể chiết xuất được chất chữa ung thư. Các đại gia từ Sài Gòn về Ea HLeo săn khiến cả Ea HLeo nóng lên vì cơn sốt gỗ thủy tùng. Một khúc gỗ thủy tùng rộng chừng 40 cm, cao chừng một mét, giá 12 triệu đồng. Từ đầu năm 2009 tới nay, kiểm lâm huyện Ea HLeo đã bắt được 15 vụ khai thác, vận chuyển gỗ thủy tùng trái phép. Những kẻ vi phạm pháp luật bảo vệ các loại gỗ thuộc nhóm này, theo luật, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cái khó nhất là Việt Nam chưa có hội đồng thẩm định giá đối với thủy tùng, vì chưa bao giờ nó là… hàng hóa ngoài thị trường. Từ khi Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk đề nghị lấy mức giá cao nhất của nhóm gỗ 2A áp giá cho thủy tùng, mới có cơ sở để xử lý. Một số vụ việc phát hiện, bắt giữ, giá trị kinh tế của tang vật thu được ở mức trên dưới 1 triệu đồng chỉ có thể xử phạt hành chính, cảnh cáo người vi phạm.
Được biết, đầu tháng 8/2009, Hạt kiểm lâm huyện đã có tờ trình gửi Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk về việc xin thành lập khu bảo tồn sinh cảnh Ea Ral để mở rộng khu bảo tồn quần thể thủy tùng để từ đó có định hướng bảo vệ về lâu dài. Theo dự kiến sẽ có một con đường chạy vòng quanh khu quần thể thuỷ tùng để tiện cho việc tuần tra bảo vệ, phía bên ngoài sẽ thiết lập hàng rào dây thép gai. Thế nhưng: “Khu thủy tùng Ea Ral được UBND tỉnh Đắk Lắk quy hoạch là rừng đặc dụng từ năm 1987. Tuy nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh Ea Ral lại chưa có quyết định thành lập chính thức. Do đó rất khó khăn về mặt pháp lý để có thể xây dựng các đề án bảo vệ thủy tùng!” - ông Vinh chia sẻ.
Mang theo trăn trở của ông Vinh, về đến Hà Nội, tôi bật máy tính, vào google, gõ từ khoá “thuỷ tùng” chỉ trong nháy mắt đã hiện ra hơn 4 triệu kết quả có liên quan, trong đó có rất nhiều kết quả liên quan đến việc rao bán các sản phẩm làm từ gỗ thuỷ tùng. Chợt nghĩ trong khi chờ đợi một quyết sách cụ thể cho “thuỷ tùng” thì số phận của loài thực vật cổ nhất thế giới này vẫn đang bị rình rập và hình ảnh ông Vinh ví von: mỗi người ôm một gốc cây cũng khó bảo vệ được quả có lý.Thuỷ tùng có tên trong sách đỏ Việt Nam và theo công bố của Quỹ sinh vật hoang dã thế giới (WWF), đây là một trong những loài bị săn lùng ráo riết nhất.
Thuỷ tùng thuộc danh mục gỗ nhóm IA: nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường, đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Hoá thạch cổ nhất biết đến là vào kỷ Creta. Vào trước và trong thời kỳ Băng hà, mật độ phân bố của chúng đã thay đổi, chỉ còn lại như ngày nay. Thủy tùng được phát hiện lần đầu tiên tại Đắk Lắk vào năm 1955. Trên thế giới duy nhất chỉ còn sót ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk tại hai khu vực là Trấp Ksơr (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) với số lượng 28 cây và khu vực hồ Ea Ral (huyện Ea Hleo). |