Bóng đá châu Phi đã từ lâu trở thành “nguồn tài nguyên cầu thủ giỏi” dồi dào của châu Âu. Đã có thời gian, bầu trời sân cỏ thế giới tràn ngập những ngôi sao trẻ đến từ Lục địa Đen. Nhưng hiện tại, như một nguyên nhân bí hiểm, nguồn tài nguyên này bỗng dưng cạn kiệt và biến mất.
Didier Drogba là một trong những tài năng gốc Phi hiếm hoi thành công tại châu Âu vài năm trở lại đây
SỰ GIAN DỐI TUỔI TÁC TRUYỀN THỐNG
Ngôi sao sáng giá nhất trước thềm CAN 2013 có lẽ chỉ là Didier Drogba. Hoàn toàn không mới. Hoặc cũng có thể nói, nét mới duy nhất của Drogba bây giờ chỉ là anh đã bước qua bên kia sườn dốc phong độ, đành phải dạt sang sân cỏ Trung Quốc khoác áo Shanghai Shenhua. Đấy không còn là Drogba dữ dội như thời ở Chelsea nữa.
Tương tự, những ngôi sao khác có thể tỏa sáng tại CAN 2013 đều chẳng còn gì mới mẻ. Cặp tiền vệ Mikel Obi, Victor Moses của Chelsea hoặc anh em Kolo và Yaya Toure trong đội hình Bờ Biển Ngà đã được biết đến từ lâu. Kwadwo Asamoah của Juventus đang quyết tỏ rõ vai trò trụ cột trong đội hình Ghana, nhưng cầu thủ đã 46 lần khoác áo ĐTQG này vẫn không có gì mới.
Togo bây giờ vẫn đang trông cậy vào Emmanuel Adebayor… Nhìn vào lực lượng mới của bóng đá châu Phi, chẳng hạn như các cầu thủ còn đang thi đấu trong nước của Nigeria, danh sách đội ĐKVĐ Zambia, hoặc thành phần đội chủ nhà Nam Phi, giới quan sát thì biết lắc đầu buồn bã: không có bất kỳ cái tên nào hứa hẹn là sẽ giới thiệu được chút gì đấy đặc sắc.
Hẳn giới hâm mộ còn nhớ thế hệ ngôi sao Nigeria trong thập kỷ trước: Jay-Jay Okocha, Taribo West, Viktor Ikpeba, Godwin Okpara, Sunday Oliseh, Nwankwo Kanu… Trong một bài điều tra được đăng trên tờ The Observer cách đây 2 năm thì Kanu ở thời điểm tham dự World Cup 2010 đã 42 tuổi, hoặc Taribo West ở vào nửa sau của tuổi ngũ tuần! Có nghĩa, tất cả đều “ăn gian tuổi”.
Tuổi tác trên giấy tờ của Okocha trẻ hơn tuổi thực của anh đến gần chục năm. Chỉ với 50 USD, bạn sẽ dễ dàng kiếm được một hộ chiếu mới (thật chứ không phải giả) với tên tuổi mới, tại Lagos. Hàng ngàn cầu thủ Nigeria trước khi ra nước ngoài kiếm ăn đều sửa lại tuổi theo cách này.
TÁC ĐỘNG TỪ “TOÀN CẦU HÓA”
Tất nhiên, họ “ăn gian tuổi” không phải để được thi đấu ở các giải trẻ. Nhìn một Okocha xuất sắc và chững chạc ở tuổi 28, với hiểu biết mơ hồ rằng cầu thủ ấy mới 20 tuổi, bạn sẽ lập tức ký ngay hợp đồng nếu không sợ bị CLB khác phỗng tay trên!
Cách ấy giờ đã lộ tẩy. Hiện thời, Obafemi Martins mới 28 tuổi, theo giấy tờ. Anh từng khoác áo Inter Milan khi mới 16 tuổi, dự trận chung kết Champions League 2003 ở tuổi 18! Nhưng Martins đã chìm vào quên lãng suốt 4 năm nay. Vì sao? Những người biết rõ Martins tại Nigeria cho hay: cầu thủ này giờ đã 36 tuổi rồi!
Tóm lại, người ta khen ngợi tài năng của Kanu, Okocha hoặc Martins là vì độ tuổi quá trẻ, chỉ khoảng 18-20, khi họ tỏ ra xuất sắc. Trên thực tế, các ngôi sao này đều chưa bao giờ vươn đến đẳng cấp hàng đầu trên sân cỏ châu Âu bởi thật ra cái tuổi “18-20” đã là đỉnh cao phong độ của họ rồi.
Đấy là nguyên nhân lớn nhất khiến tài năng bóng đá châu Phi có vẻ khan hiếm dần trong khoảng 5 năm gần đây (thật ra trước đó, bóng đá châu Phi cũng không có nhiều tài năng, chẳng qua người ta chỉ tưởng như vậy, vì tuổi tác, mà thôi).
Toàn cầu hóa là một nguyên nhân khác. Bây giờ, cầu thủ châu Phi đã khoác áo ĐTQG ở Bỉ, Pháp, Anh, Đức, Italia, nói chung là khắp các đội bóng hàng đầu châu Âu. Họ dễ dàng chuyển đổi quốc tịch theo những luật mới. Cũng dễ hiểu vì sao những Mario Balotelli, Jerome Boateng, Romelu Lukaku, Moussa Dembele đều muốn khoác áo Italia, Đức, Bỉ hơn là các đội châu Phi theo gốc gác.
Cuối cùng, bóng đá châu Phi vẫn chưa tiến bộ bao nhiêu về cơ sở vật chất. Cũng hiếm khi nghe nói đến công tác đào tạo trẻ ở khu vực này. Sở dĩ Bờ Biển Ngà có hẳn một thế hệ ngôi sao xuất sắc là nhờ nỗ lực của các chuyên gia người Pháp tại học viện JMG-ASEC.
Sau khi đào tạo ra những Kone, Toure, Kalou, Gervinho…, JMG-ASEC giờ đã thay đổi vì vấn đề quyền lợi, và ASEC không cho ra lò ngôi sao trẻ xuất sắc nào nữa sau khi JMG rút lui. Với những tiến bộ rực rỡ về khoa học kỹ thuật, học viện bóng đá trẻ bây giờ đã xuất hiện nhan nhản trên khắp thế giới. Người ta đâu cứ nhất thiết phải đến châu Phi để săn lùng tài năng nữa!