Bạn vẫn có thể kiểm soát "xì hơi" nếu biết làm đúng cách đấy nhé!
Tìm hiểu về chứng "xì hơi"
Theo các chuyên gia, "xì hơi", hay còn gọi là trung tiện, là một phản ứng của cơ thể khi thải khí ra khỏi đường ruột qua hậu môn. Nguyên nhân của hiện tượng này là do nguồn thức ăn chưa tiêu hóa hết ở dạ dày khi xuống đại tràng được các vi khuẩn tiếp tục phân hủy và bài tiết ra khí thải.
Đối với một số người bị thiếu men phân hủy alpha galactosides – một loại men giúp phân hủy đường trong các loại đậu, ngũ cốc – khi chất đường này xuống tới ruột già sẽ bị các vi khuẩn phân hủy và sinh ra nhiều hơi, dẫn đến tình trạng xì hơi liên tục… Vì thế, có thể nói, việc bị "xì hơi" quá nhiều là kết quả của thói quen ăn uống.
Lượng khí mà hành động "xì hơi" của chúng ta tạo ra gồm có ni-tơ, CO2, hidro, metan và một số loại khí khác… Nó có thể bốc cháy ngay khi gặp lửa, thậm chí có thể khiến chúng ta chết vì ngạt thở nếu chiếm 1/3 thể tích trong phòng.
"Xì hơi" là một trong những hoạt động sinh lý của con người, tuy nhiên nó lại có thể gây ra nhiều "bất tiện" cho khổ chủ, thậm chí còn khiến những người xung quanh cảm thấy rất khó chịu đấy nhé!
Bí quyết để chống lại cảnh "xì hơi" đột ngột
Hạn chế các loại đồ ăn gây "xì hơi"
Các món ăn này chủ yếu là những đồ ăn chứa nhiều bột, dầu mỡ, khí ga như khoai lang, khoai tây, mì tôm,, rượu, đồ uống có ga… Các bạn nên hạn chế các thực phẩm này. Thay vào đó, chúng ta hãy bổ sung thêm nước lọc, các loại rau xanh và trái cây cho cơ thể.
Không chỉ thế, việc chúng ta hút thuốc hay nhai kẹo cao su cũng khiến hiện tượng "xì hơi" trầm trọng hơn do đưa nhiều khí, hơi vào ruột. Vì vậy, các bạn cũng nên hạn chế những điều này nhé!
"Bình tĩnh" khi ăn uống
Đầy hơi là một trong những dấu hiệu của thức ăn tiêu hóa không tốt. Do đó, các bạn nên ăn chậm, nhai kỹ để nghiền nát thức ăn và giúp cho các loại men có lợi trong nước bọt có thể góp phần tối đa vào việc tiêu hóa thức ăn.
Bên cạnh đó, ăn uống một cách thoải mái, tránh căng thẳng cũng là một cách giúp tránh đầy hơi, hạn chế tình trạng "xì hơi" đột ngột đó!
Vận động nhẹ sau bữa ăn
Các hoạt động vận động nhẹ nhàng hay đi bộ sau bữa ăn sẽ giúp đẩy hơi xuống phần dưới ruột. Các bạn cũng có thể áp dụng một động tác thể dục đơn giản giúp đẩy lùi tình trạng đầy hơi bằng cách nằm ngửa, co đầu gối phải lên ngực, ép xuống, giữ khoảng mười giây, rồi sau đó qua đầu gối bên kia, lặp lại nhiều lần…
Nếu các biện pháp trên không mang lại hiệu quả và việc "xì hơi" của bạn diễn ra liên tục, các bạn nên đến khám bác sĩ. Rất có thể, đây là triệu chứng của các căn bệnh về hệ tiêu hóa đấy!