Là những cô cậu học trò đang ở lứa tuổi teen hồn nhiên, nhí nhảnh nhưng lúc nào cũng có vẻ mặt buồn rầu ảo não, cộng thêm một dáng đi thất thểu rất… “phong trần”. Họ không ngại mang vẻ buồn buồn đó đến mọi nơi, từ lớp học chính khóa đến ca học thêm, từ lúc đi đánh game với lũ bạn chí cốt hay lúc ngồi trong quán trà sữa với "ấy ơi"…
T. Thanh (cựu học sinh 12) vừa trải qua kì thi đại học 2009 vào một trường thuộc dạng top. Từ khi bước ra khỏi phòng thi sau môn thi cuối cùng cho đến lúc đã về quê được vài ngày, lúc nào T.Thanh cũng luôn mang một vẻ mặt buồn buồn cố hữu. Bạn bè ai cũng lo chắc T.Thanh gãy một môn nào đó, chỉ đến khi cô bạn thân của T.Thanh nhỏ nhẹ hỏi thăm và nhận được câu trả lời tự tin: “Làm bài tốt lắm”, cả bọn mới thở phào nhẹ nhõm. Ai cũng thắc mắc không biết tại sao làm bài tốt mà lại buồn rầu thế thì T.Thanh trả lời một câu khá sốc: “Người sống tình cảm thì phải vậy chứ, mình là người sống nội tâm mà, đâu có lúc nào thấy vui được đâu…”.
Giống như T. Thanh, L. Lê cũng là một tín đồ trung thành của khuynh hướng này. Giờ ra chơi nào cũng vậy, trong lúc bạn bè vô tư chơi đùa trong sân trường thì L.Lê cũng lựa chọn một góc lớp hoặc úp mặt xuống bàn hoặc chống cằm, đôi mắt nhìn xa xăm giống như đang suy tư. Hội bạn quan tâm, lo lắng lại hỏi thăm thì L.Lê vô tư phát biểu: “Chắc do mình già trước tuổi, nên không hợp với kiểu nhí nhảnh của các cậu. Khi nào các cậu trưởng thành rồi sẽ thấy đời này nhiều chuyện buồn lắm!”. Phát biểu nghe có vẻ “già dặn” là thế, nhưng chỉ ít phút sau, cuộc hỏi thăm, động viên của hội bạn nhanh chóng được L.Lê chuyển đề tài sang chuyện đi mua sắm, săn lùng hàng độc. N.Hương (bạn chơi trong nhóm) không giấu được sự hụt hẫng: “Ra vẻ vậy thôi, làm gì có chuyện buồn nào đâu. Kì cục quá!”…
Những teen cộp mác “buồn quanh năm” gây cho bạn bè và mọi người cảm giác chán ngán và cái nhìn thiếu thiện cảm (Ảnh minh hoạ)
2. Lợi ở đâu chưa thấy, những hệ lụy đã nhãn tiền
T. Toàn (bạn của T. Thanh) chia sẻ: “Lúc đầu quan tâm nên hay lại hỏi han, động viên, giờ biết chuyện nên ngán luôn rồi”. Những teen cộp mác “buồn quanh năm” gây cho bạn bè và mọi người cảm giác chán ngán và cái nhìn thiếu thiện cảm. Vì trong khi bao nhiêu teen rơi hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh mà vẫn cố gắng mỉm cười, lạc quan, yêu đời để cố gắng vươn lên trong cuộc sống, chiến thắng số phận, thì họ dù được may mắn ở trong hoàn cảnh thuận lợi hơn bạn bè trang lứa rất nhiều từ chuyện ăn mặc đến học hành, vẫn chỉ có một câu quen thuộc: “Tôi buồn mà không hiểu vì sao tôi buồn!”
Những teen theo mốt buồn tự đẩy mình ra khỏi những hoạt động tập thể, những cuộc vui chung của nhóm, tổ, thậm chí là của lớp. T. Lâm chia sẻ “Cũng chẳng có ác cảm gì với những teen như thế, nhưng cứ thử tưởng tượng lúc đang vui party, mà thấy cái mặt buồn buồn không lý do, không mục đích thì đúng thật là mất hết khí thế!”…
Thực ra bộc lộ cảm xúc cá nhân là một nhu cầu chính đáng của mỗi người, việc thể hiện “cái tôi” không có gì là xấu, thậm chí cần được phát huy. Nhưng đừng để cho mọi việc trở nên buồn cười khi phô diễn một cái “tôi” chỉ biết chạy theo trào lưu. Thể hiện cảm xúc thật của chính bản thân một cách tự nhiên, mới là điều đáng quý, teen nhớ nhé!