Chuyện lạ 2011-02-03 08:20:09

Bí ẩn đại long đao 500 tuổi ở Hải Phòng


Đại long đao nằm im lìm trong tủ kính, giữa đêm tối trầm mặc. Ngay phía trên nơi đặt long đao là tượng Thái Tổ Mạc Đăng Dung ngồi uy nghiêm trên ghế rồng.
Trong những ngày Tết, người dân khắp nơi, đặc biệt là con cháu họ Mạc từ khắp cả nước nườm nượp đổ về Khu tưởng niệm Vương triều Mạc ở xã Ngũ Đoan (Kiến Thụy, Hải Phòng) để chiêm bái Thái Tổ Minh Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung. Khu tưởng niệm khá hoành tráng, nằm giữa cánh đồng, nơi gần 500 năm trước là Dương Kinh, được coi là kinh đô thứ hai của nhà Mạc.

Quá khứ oai hùng của một triều đại đã nằm dưới lòng đất hơn 400 năm, kể từ khi bị chúa Trịnh Tùng tàn phá, giờ đã được tái hiện phần nào.
Thái miếu trong Khu tưởng niệm Vương triều Mạc.
Anh Ngô Minh Khiêm, Trưởng ban quản lý di tích Vương triều Mạc dẫn tôi đi tham quan một vòng công trình độ sộ bằng đá và gỗ mới tinh này. Đây là dự án chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, dự án mới triển khai xong giai đoạn một, với những hạng mục chính. Một hạng mục rất quan trọng là khu trưng bày đồ vật thời Mạc phải đến năm 2012 mới hoàn thành.

Du khách tham quan khu tưởng niệm đều choáng ngợp trước Thái miếu, nơi đặt linh vị Hoàng đế Mạc Đăng Dung. Theo anh Thiết, toàn bộ Thái miếu được làm từ gỗ Lim nhập từ Nam Phi. Những súc gỗ lim khổng lồ được cưa gọt thành cột trụ lớn và chạm trổ tinh vi. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, gian cuối của Thái miếu, hiện đang lưu giữ một bảo vật có một không hai, đó là thanh đại long đao của Mạc Đăng Dung.
Ông Mạc Văn Thiết (trưởng họ Mạc ở xóm Kiều Thôn ) bên nhà thờ vua Mạc Đăng Dung.
Anh Ngô Minh Khiêm tự hào khẳng định: “Hiện nay, cả châu Á chỉ còn 2 binh khí được lưu thờ là vật thái bảo, gồm thanh long đao của Tống Thái Tổ nhà Bắc Tống và thanh long đao của Mạc Thái Tổ, đang được lưu giữ ở đây”.

Thanh long đao nằm im lìm trong tủ kính, giữa đêm tối trầm mặc. Anh Khiêm đốt nến để quan sát long đao trong ánh sáng leo lét. Ngay phía trên nơi đặt long đao là tượng Thái Tổ Mạc Đăng Dung ngồi uy nghiêm trên ghế rồng.

Theo ghi chép của nhà cố sử học Lê Xuân Quang (người Nam Trực, Nam Định, cả đời nghiên cứu sử làng một cách cực kỳ trang trọng), thì đại long đao này đúng là của Mạc Đăng Dung. Ông cũng là người đầu tiên tiến hành cân đo, đong đếm rất tỉ mẩn thanh long đao này.
Đại long đao của Mạc Đăng Dung.
Theo đó, thanh long đao của Mạc Thái tổ dài 2,55m, nặng 25,6kg (sau khi đã gõ hết han gỉ. Theo phán đoán, nếu chưa han gỉ, thanh long đao có thể nặng đến 30kg), trong đó, lưỡi đao dài 0,95m, cán dài 1,6m. Cán đao được làm bằng sắt rỗng, được chốt chặt với lưỡi đao bằng “cá”.

Qua ánh nến leo lét, có thể nhận thấy sự hoành tráng của đại long đao, thậm chí, có phần nhỉnh hơn đại long đao mà Quan Vân Trường tung hoành giữa vạn quân như chốn không người. Chỉ tiếc rằng, đại long đao được đúc bằng sắt, nên độ bền kém, bị thời gian gặm nhấm phần nào. Phần cán đao đã đổ màu đen gỉ. Lưỡi đao cũng màu xỉn và vỡ nham nhở. Tuy nhiên, nếu xét về độ tuổi và nguồn gốc của đại long đao, có thể thấy sự vô giá của nó.

Trong khói hương nghi ngút, anh Ngô Minh Khiêm tỉ mẩn kể lại từng chi tiết trong cuộc lưu lạc trầm luân mấy trăm năm của đại long đao, cùng với sự thăng trầm của nhà Mạc.

"Cá" gắn lưỡi đao với cán đao.
Mạc Đăng Dung (1483-1541) là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng). Ông sinh ra ở vùng biển, làm nghề đánh cá, nhưng lại có trí dũng hơn người.

Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, đại long đao đã từng giúp Mạc Đăng Dung đoạt chức vô địch trong cuộc thi tuyển dũng sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long thời Lê Sơ. Ông đã trúng Đô lực sĩ xuất thân (Võ Trạng nguyên), được sung quân Túc vệ.

Với thanh đại long đao, Mạc Đăng Dung đã xông pha trận mạc và bách chiến bách thắng trong các cuộc dẹp loạn: Cù Khắc Xương, Trần Công Vụ, Lê Quảng Độ, rồi Trần Thăng (ở Thái Nguyên, Lạng Sơn), Nguyễn Hoằng Dụ (Thanh Hóa). Do lập nhiều công lớn, dẹp loạn các phe phái, bảo vệ triều đình, nên được phong tới chức Thái sư, tước An Hưng vương, đức trí bậc nhất triều đình.



This image has been resized. Click this bar to view the full image. The original image is sized 500x612.
Lưỡi đại long đao đã han gỉ, mẻ vỡ nham nhở.
Triều Lê Sơ suy tàn, nên năm 1527, Hoàng đế Lê Cung Hoàng đã hạ chiếu nhường ngôi cho Thái sư Mạc Đăng Dung.

Mạc Đăng Dung lên ngôi, lập ra triều Mạc, lấy niên hiệu Minh Đức. Trị vì đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả Mạc Đăng Doanh. Ông về nơi sinh thành là làng Cổ Trai xây dựng Dương Kinh, là kinh đô thứ 2 của triều Mạc, đô thị ven biển đầu tiên của Việt Nam. Tại đây, có thương cảng sầm uất, quân đội hùng mạnh, thậm chí có cả trường Quốc gia học, tương đương với Quốc Tử Giám ở Thăng Long.

Khi Mạc Thái Tổ băng hà, đại long đao được đem về thờ ở lăng miếu làng Cổ Trai. Năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, Mạc Đăng Thận (cháu 4 đời của Mạc Đăng Dung), là người coi giữ lăng miếu, đã giả làm nhà buôn, mang theo long đao của Tiên đế xuống thuyền rời Đồ Sơn.

Đoàn thuyền tiến về phía Nam, vào vùng cửa sông Hồng, đến cửa Lạn Môn thì dừng lại, tìm đến đất Kiên Lao (Nam Định) định cư. Nghe lời Quốc công Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông cùng gia quyến đổi sang họ Phạm để tránh bị nhà Trịnh truy sát diệt vong. Ông đổi họ Mạc thành họ Phạm, song vẫn giữ lại bộ thảo đầu của chữ “Mạc” để con cháu đời sau ghi nhớ tín hiệu nhận ra nhau.

Đại long đao lúc còn ở Nam Định.
Trải 4 đời ở vùng Kiên Lao, dòng họ Phạm gốc Mạc có sự phân chi. Ông Phạm Công Úc được giao mang đại long đao về định cư ở vùng Ngọc Tỉnh và thờ ở từ đường chi họ Phạm gốc Mạc.

Trải bao biến cố thăng trầm, theo gia phả dòng họ, thời vua Lê Dụ Tông, hai người con trai Phạm Công Úc là Phạm Công Dục và Phạm Công Dắt lên kinh đô thi võ. Hai ông đã xin vua cha cho phép làm lễ rước thanh long đao của Mạc Thái Tổ, cầu xin anh linh Tiên đế và linh khí bảo đao phù trợ. Khoa thi ấy, cả hai ông đều đỗ võ quan, được triều đình tuyển dụng.

Ông Phạm Công Dục theo vua Lê đi dẹp loạn, sau được thăng tới chức Đô thống phủ Tả Đô đốc Lê triều Kiệt trung tướng quân, tước Dục Trung hầu. Ông Phạm Công Dắt được phong chức Quản Hữu chấn cơ Tín nghĩa Đô úy, tước Phạm sứ hầu. Từ bấy, linh ứng bảo đao của Mạc Thái Tổ độ trì cho con cháu hậu duệ nhiều đời sau đỗ đạt.
Lễ cung nghinh long đao của vua Mạc từ Nam Định về Hải Phòng.
Triều vua Minh Mệnh (1821), Phan Bá Vành khởi binh, chống lại triều đình, muốn dùng long đao của Mạc Thái Tổ làm linh khí trên chiến địa. Họ Phạm ở Ngọc Tỉnh đã kịp thời chôn giấu đại đao, không để mất long đao của Tiên đế. Nhiều năm trôi qua, dấu tích nơi chôn giấu không còn, long đao bị thất lạc.

Theo truyền thuyết, thời đó, gò đất phía đông nam từ đường họ Phạm làng Ngọc Tỉnh bỗng nhiên “phát hỏa”. Lửa tự nhiên bốc cháy, phút chốc lại tắt. Nhiều lần lửa bốc lên, cháy cả vào rơm rạ, quần áo của dân làng. Vì thế, dân trong vùng gọi gò đất này là “Gò Con Hỏa”.

Năm 1938, họ Phạm làng Ngọc Tỉnh tiến hành trùng tu từ đường, đào hồ bán nguyệt, đã tìm thấy đại long đao dưới lòng đất sau hơn 90 năm thất lạc. Lúc này, đại long đao đã bị gỉ sét ăn mòn như hiện trạng bây giờ. Họ Phạm đã rước về từ đường thờ phụng bảo quản trong lớp mỡ bò. Theo lời đồn, kể từ khi tìm lại được đại đao, Gò Con Hỏa không còn phát hỏa nữa.

Đúng ngày 22-9-2010, chi họ Phạm gốc Mạc ở làng Ngọc Tỉnh (Xuân Trường, Nam Định), cùng con cháu dòng tộc, nhân dân địa phương, đã nghinh rước báu vật của Thái Tổ Mạc Đăng Dung về Thái miếu, thuộc Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, ở xã Ngũ Đoan.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)