Các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức trong ca mổ thay đĩa đệm đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh HL. |
Bệnh nhân Huy bị bệnh lý thoát vị, thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ C3 - C4 và C4 - C5 từ năm 2003. Căn bệnh này đã khiến chị bị liệt một cánh tay. Sau hai giờ đồng hồ phẫu thuật thay thế đĩa đệm, các bác sĩ đánh giá là ca mổ thành công.
Dự kiến, sau 2 ngày, bệnh nhân sẽ cử động được như bình thường và sẽ tập luyện theo chỉ định của bác sĩ trong 3 tuần để hồi phục hoàn toàn (nhanh hơn gấp 3 – 4 lần so với phương pháp nẹp vít).
Đĩa đệm mới sẽ giúp bệnh nhân thoát khỏi đau đớn và có thể hoạt động bình thường, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc, Trưởng khoa cột sống BV Việt Đức cho biết như vậy.
Đĩa đệm có công dụng như giảm xóc, giảm sự va đập của các đốt sống, bảo vệ tuỷ sống. Nếu bị thoái hóa đĩa đệm, bệnh nhân sẽ bị hành hạ bởi các cơn đau vùng đầu cổ, thắt lưng, nặng thì bị liệt các chi…
Phương pháp cũ thường làm cứng khớp đốt sống bằng cách nẹp vít titan để gắn các đốt sống lại với nhau khiến cột sống bệnh nhân mất khả năng vận động. Ví dụ, nếu kẹp vít ở vùng đốt sống cổ, bệnh nhân sẽ không có khả năng quay đầu….
Việc sử dụng đĩa đệm nhân tạo sẽ giúp các đốt sống giữ nguyên khoảng cách và dung tích bình thường giữa các đốt sống, không ảnh hưởng đến các đốt sống xung quanh, không làm tăng sức ép lên các đĩa đệm khác. Đĩa đệm nhân tạo được làm bằng một loại chất dẻo đặc biệt, có thể sử dụng từ 15-20 năm.
BS Thạch cho biết, đây vẫn là phương pháp hiện đại nhất trong phẫu thuật cột sống từ trước tới nay. Thế giới đã áp dụng phương pháp này và tỷ lệ thành công trên 90%. Tuy nhiên, với các bệnh nhân bị thoái hóa quá nặng, hẹp ống sống do thoái hóa xương, cột sống có dây chằng kém… không thể dùng được kỹ thuật mới này.
Chi phí cho một ca thay đĩa đệm tại BV Việt Đức là 3.600 USD/1 đĩa đệm. Ở Singapore là hơn 6000 USD.
Hiền Lê