Bé Tường ra đời vào 8h10 phút sáng ngày 8/4. Đến 9h sáng ngày 12/4, mẹ bé nằm trên giường vừa cho con bú vừa truyền nước. Có lẽ do quá mệt hoặc cũng có thể là do thiếu kinh nghiệm, người mẹ trẻ 23 tuổi đã không chú ý tới bầu ngực đã chặn kín mũi con. Một phút, 5 phút, 10 phút rồi 20 phút sau, bà nội ngồi bên cạnh mới hốt hoảng phát hiện ra cháu trai đã ngừng thở và tim ngừng đập.
Sau một tiếng cấp cứu, cháu bé đã phục hồi nhịp tim nhưng vẫn trong tình trạng hôn mê, não bị tổn thương nghiêm trọng.
Khi anh Lâm, cha của bé Tường quyết định chuyển con đến bệnh viện nhi, bác sỹ cho biết hy vọng em bé hồi sinh là rất mong manh, có thể sẽ chết trên đường chuyển viện. Lúc này, chỉ cần có một tia hy vọng, anh Lâm cũng muốn thử. Vì vậy, anh vẫn quyết định cho bé chuyển viện.
Tuy nhiên, sau khi chuyển đến bệnh viện nhi, các chuyên gia cho biết, kể cả xuất hiện kỳ tích trong quá trình cứu chữa cho bé thì sau này chắc chắn vẫn để lại di chứng. Nhìn thấy phổi và ngực của con đã tím tái, anh Lâm hiểu rằng dù có cố gắng thế nào đi chăng nữa, nỗi đau khổ vẫn sẽ đeo bám con anh suốt cuộc đời. Sau khi suy nghĩ thấu đáo, anh đã quyết định từ bỏ chữa trị và tình nguyện hiến giác mạc của con trai để mang lại ánh sáng cho một người bất hạnh khác.
“Giác mạc của cháu ít nhất cũng có thể đem lại ánh sáng cho một người”, đó là lời tâm sự của anh Lâm khi quyết định hiến giác mạc của bé Tường và đau đớn chứng kiến bác sỹ rút ống thở trên mũi bé ra. “Bé Tường là con trai đầu lòng của chúng tôi, tôi muốn giữ lại một thứ gì đó của cháu trên thế gian này. Quyết định này đã được cả gia đình tôi đồng ý”, anh Lâm kí vào giấy cam kết hiến giác mạc rồi lặng lẽ rời khỏi bệnh viện vì không nỡ đối diện với thi thể đứa con bé bỏng, xấu số.
Theo Changsha/Bưu điện Việt Nam