Theo tờ India Today, nguy cơ xảy ra một trận giao tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ là rất thực đến nỗi nó đã được báo động đến hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Ấn Độ.
Cảnh báo về bóng mây chiến tranh xuất hiện chỉ vài tháng trước dịp kỷ niệm 50 năm ngày bùng nổ cuộc chiến giữa hai nước khi Trung Quốc đồng loạt phát động tấn công vào khu vực Ladakh và xuyên qua đường McMahon vào ngày 20/10/1962.
Tờ India Today cho biết, họ đã xem qua một bản phân tích mật mà Cơ quan Tình báo Đối ngoại Ấn Độ RAW chuyển cho chính phủ vào tuần trước, trong đó báo động nguy cơ Trung Quốc khai mào cho một cuộc giao tranh Đường kiểm soát thực tế (LAC).
Theo thông tin từ India Today, Bắc Kinh đang cân nhắc thực hiện hành động trên để đánh lạc hướng những vấn đề nội bộ.
Bản phân tích gửi cho Thủ tướng Manmohan Singh, các quan chức an ninh cao cấp cùng giới lãnh đạo quân sự đã gây ra lo ngại và hiện được thảo luận giữa các quan chức cao cấp của chính phủ.
Một binh sĩ Ấn Độ (trái) và một binh sĩ Trung Quốc tại biên giới hai nước. |
Theo RAW, quân đội Trung Quốc đã tiến hành những cuộc tập trận quy mô lớn tại khu tự trị Tây Tạng và cao nguyên Thanh Hải vào ngày 14/6.
Bản phân tích nguy cơ chiến tranh được thực hiện dựa trên những diễn biến nói trên cộng với mối đe dọa từ tình hình bất ổn nội bộ dễ nhận thấy của Trung Quốc, xuất phát từ những diễn biến chính trị, các vấn đề xã hội và kinh tế trước thềm đại hội lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể kích động tâm lý bài ngoại cố hữu nhằm chuyển sự chú ý trong nước đến một mối đe dọa bên ngoài. Trong bối cảnh này, có hai khu vực căng thẳng tiềm tàng. Một là cuộc đối đầu đang diễn ra tại bãi cạn Scarborough và khu vực còn lại là Tây Tạng”, bản phân tích viết. Bãi cạn Scarborough ở biển Đông là khu vực tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã gia tăng khi chính phủ hai nước thay nhau tố cáo nước kia chiếm đóng trái phép vùng biển gần bãi cạn.
Tuy nhiên, các nguồn tin tức ngoại giao tiết lộ đánh giá của Ấn Độ dựa trên thực tế rằng, Bắc Kinh sẽ không liều lĩnh lao vào một cuộc chiến ở biển Đông vì nó có thể kích động Mỹ và các nước phương Tây vào cuộc giải cứu Philippines. Khả năng xảy ra giao tranh tại biên giới Trung - Ấn cao hơn vì nó là khu vực tranh chấp lâu đời.
Các nguồn tin của tờ India Today nói bản phân tích cũng xét đến sự bất mãn của Trung Quốc về vai trò của Đạt Lai Lạt Ma trong các hoạt động bị tố giác là xúi giục nổi loạn ở Tây Tạng.
Việc phát động một cuộc giao tranh với Ấn Độ có thể là một phần của ý đồ "dạy" cho Ấn Độ một bài học, theo các nguồn tin. “Tuy nhiên, một cuộc xung đột kéo dài ít có khả năng xảy ra”, bản phân tích viết.
Theo Thanh Niên