Kẹo mút là một món thức ăn yêu thích của rất nhiều người, cũng giống như tên gọi của nó, kẹo mút thường được mọi người mút nhiều hơn là nhai hoặc cắn. Và mới đây, các nhà khoa học đã đưa ra một tính toán ước lượng khá thú vị về số lần trung bình cần thiết để một người có thể "liếm" được hết cây kẹo mút.
ảnh minh họa
Các nhà khoa học tại trường ĐH. New York (Mỹ) đã mất khá nhiều thời gian nghiên cứu và đưa ra một tính toán khá cụ thể với khoảng 2.500 lần "liếm" kẹo liên tục, người ăn có thể ăn được hết cây kẹo mút bình thường (cây kẹo mút bình thường có đường kính khoảng 2,5 cm).
Được biết, bằng cách đặt nhiều cây kẹo mút vào dòng nước, các nhà nghiên cứu có thể quan sát được cách các viên kẹo tan chảy theo thời gian. Sau những quan sát kỹ càng các nhà nghiên cứu ước tính, người ăn sẽ phải cần khoảng 1000 lần liếm thì mới có thể hòa tan được hết khoảng 1 cm của cây kẹo.
Trong bức hình sử dụng cách chụp time-lapse trên đây, các nhà khoa học đã ghi lại được những chi tiết cho thấy một cây kẹo mút sau một giờ thử nghiệm (hình a). Bên cạnh đó là sự bất ổn trong dòng chảy của nước (hình b và c) do sự cản trở của cây kẹo và cuối cùng là sự thon dần của đầu cây kẹo và phần mất đi ở phía sau và cạnh bên (hình d). Như vậy nếu như dựa trên những tính toán này thì trung bình một cây kẹo Chupa Chups có đường kính khoảng 2,5 cm sẽ mất khoảng 2.500 lần "liếm" mới có thể hết.
Theo tiến sỹ Leif Ristroph, một nhà toán học tại Viện Toán học Courant của trường ĐH. New York và cũng là người dẫn đầu nghiên cứu cho biết, những cây kẹo mút thường được làm theo hình dáng tương đồng với dòng chảy các chất lỏng khi đi qua bề mặt ví dụ như nước bọt của con người.
"Chúng tôi thấy rằng, các dạng hình học ban đầu khác nhau đều sẽ được biến thành một hình dạng chung trước khi chúng hoàn toàn biến mất. Cách để một dòng chảy chất lỏng có thể tạo nên được những hình thù độc đáo thông qua việc làm tan chảy hay hòa tan thực sự rất phức tạp và thú vị", tiến sỹ Ristroph cho biết.
Quá trình thử nghiệm của tiến sỹ Ristroph cùng các đồng nghiệp trải qua với khá nhiều các cây kẹo mút khác nhau có đường kích từ 1 - 10 cm, trong đó tốc độ dòng nước cũng dao động trong khoảng 0,09 - 0,98 m/s. Hình thù các cây kẹo mút cũng khá đa dạng như hình cầu và hình trụ. Bên cạnh đó, trong thí nghiệm luôn có một máy chụp time-lapse để theo dõi sự hòa tan của cây kẹo vào trong dòng nước.
Chia sẻ trên tạp chí Journal of Fluid Mechanics, các nhà khoa học đã nói về sự biến đổi được tạo ra ở phía sau của cây kẹo giúp hòa tan nhanh chóng viên kẹo và dần làm cho nó phẳng hơn. Trong khi đó, nếu như có tác động từ phía lưỡi lên cây kẹo thì nó cũng có thể làm biến đổi cây kẹo theo hướng mà người ăn mong muốn. Mặc dù vậy các nhà khoa học cũng khẳng định rằng, trên thực nghiệm thì nghiên cứu này có vẻ như khá khó khăn để tính toán chính xác bởi điều này cũng còn tùy thuộc vào cách mọi người ăn và sử dụng lưỡi để liếm.
Tuy nhiên, phát hiện khá thú vị này hứa hẹn sẽ mở ra những ứng dụng quan trọng trong việc đo lượng hòa tan hay phân hủy của một chất trong nhiều ngành công nghiệp hóa chất và dược phẩm hiện nay. Đồng thời, nó cũng giúp giải thích một số quá trình xảy ra trong các hiện tượng xói lở đất đá dọc bờ sông hoặc biển.
Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1089960#ixzz3RXXGyGZP
doc tin tuc www.xaluan.com