Ảnh minh họa
Nước suối là từ ngữ thường dùng khi bạn muốn diễn đạt nước đóng chai, loại nước gần như thay thế nước đun sôi hằng ngày, nhưng liệu bạn có biết mình đang sử dụng nước tinh khiết, nước suối hay nước khoáng và loại nước nào tốt cho sức khỏe nhất?
Nước là yếu tố thiết yếu mà cơ thể chúng ta cần được cung cấp hàng ngày. Mỗi ngày mỗi người cần uống tối thiểu 1,5 lít nước để cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể thực hiện các quá trình chuyển hóa và tái tạo năng lượng. Nếu uống không đủ nước, cơ thể sẽ sinh ra mệt mỏi suy nhược thậm chí nhiễm nhiều loại bệnh như táo bón, đau thận, đau đầu… thậm chí hạ huyết áp, tim đập nhanh…
Chúng ta hiểu điều đó và chăm chỉ bù nước cho cơ thể. Tuy nhiên, dù uống nước hàng ngày nhưng không mấy ai quan tâm mình đang uống nước gì, tốt hay không tốt cho sức khỏe.
Phân biệt nước tinh khiết, nước suối và nước khoáng
Nước khoáng, nước suối, nước tinh khiết giống nhau ở chỗ đều là nước vô khuẩn, tiệt trùng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, là những sản phẩm nước đủ tiêu chuẩn dùng để uống mà tốt cho sức khỏe con người. Nhưng ba thứ nước này khác nhau về cơ bản về thành phần khoáng chất, nguồn sản xuất và giá trị sử dụng.
Nước tinh khiết: Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM - cho biết: - Nước tinh khiết là nước chỉ gồm hai thành phần là oxy và hydro. Trên thực tế, nước tinh khiết chỉ có trong phòng thí nghiệm hoặc khi có sự kết hợp hai phân tử này trong những điều kiện nhất định ở trong lòng Trái đất… Nước tinh khiết là nước không dẫn điện, không dẫn nhiệt, không mùi vị, trong suốt.
Rất khó xác minh chất lượng “tinh khiết” của các loại nước đóng chai trên thị trường. Vì cơ chế sản xuất nước tinh khiết hiện nay là sử dụng nước ở bất cứ mặt bằng nào (nước giếng, nước sông, nước sinh hoạt qua quá trình tinh lọc để tiệt trùng và không còn cặn bẩn. Nhưng nếu quy trình sản xuất không đảm bảo thì nước đóng chai ấy cũng không hề tinh khiết như quảng cáo.
Như vậy, nếu bạn dùng nước máy, nước giếng đun sôi để nguội thì không được coi là đang sử dụng nước tinh khiết. Vì nước đun sôi để nguội chỉ mới qua quá trình đun sôi để diệt khuẩn chứ chưa tinh lọc hoàn toàn tạp chất hoặc vi khoáng để trở thành nước tinh khiết.
Còn nước khoáng, nước suối thiên nhiên: là hai loại nước chảy qua những tầng địa chất có chứa một số nguyên tố, khí tự nhiên hay hợp chất khoáng với hàm lượng cao hơn chất bình thường. Nước suối và nước khoáng phải đóng chai tại nơi có nguồn, không qua xử lý làm ảnh hưởng thành phần của chúng mà chỉ qua kỹ thuật vô trùng. Vì vậy khi mua nước bạn nên đọc kỹ nhãn, địa chỉ sản xuất cũng là một dấu hiệu để bạn phân biệt các loại nước này.
Nước suối nằm trong các tầng địa chất đặc biệt, có hàm lượng khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Nhưng hàm lượng này trong nước suối không ổn định, không cao, nó đúng nghĩa là nước thiên nhiên tiệt trùng.
Nước khoáng có nhiều hàm lượng khoáng chất tốt. Hàm lượng này tương đối ổn định và phải có một số yếu tố đặc hiệu theo quy định của thế giới hoặc tiêu chuẩn Việt Nam.
Trên thị trường hiện nay thường đánh đồng nước suối và nước khoáng, nhưng thực chất thì nước khoáng tốt hơn và có giá trị hơn nước suối.
Phân biệt bằng vị giác
Nước khoáng khi uống tạo cảm giác về khoáng chất có vị mặn, ngọt, tê tê đầu lưỡi, cảm giác mát vì hàm lượng CO2. Còn nước tinh khiết không vị không mùi. Nên đọc kỹ khi mua để phân biệt nhãn mác nước uống đóng chai và nước khoáng thiên nhiên. Nước khoáng có hàm lượng cao, hàm lượng thấp. Một số nước khoáng nặng được lọc giảm nhẹ hàm lượng khoáng vẫn có thể dùng hàng ngày.
Phân biệt bằng thị giác
Cả ba loại đều phải đạt được độ trong, không màu sắc nhưng chai nước khoáng khi lắc nhẹ có hạt khí nhỏ, rót ra cốc thấy sủi tăm. Còn nước tinh khiết, nước suối ít khoáng thì không có hạt, không sủi tăm.
Nước khoáng có thể chữa bệnh, còn nước suối, nước tinh khiết chỉ để giải khát?
Nước tinh khiết và nước suối chỉ để giải khát, cung cấp nước hàng ngày. Nước suối có thể thay thế nước tinh khiết
Nước khoáng ngoài giải khát còn cung cấp nhiều nguyên tố vi lượng cho sức khỏe, giúp chữa bệnh, làm đẹp. Hàm lượng khoáng chất calci, kẽm, coban, natri… có lợi bồi bổ sức khỏe cho người già, người chơi thể thao, phụ nữ có thai. Nhưng chúng không tốt cho người bị bệnh suy thận, cao huyết áp, hội chứng thần kinh.
Nhưng với trẻ em, người già, người bệnh phải tham khảo bác sĩ chuyên môn để được xem xét chế độ dinh dưỡng thế nào, cần khoáng chất gì, bao nhiêu. Nếu thiếu mới cần sử dụng, còn thừa và đủ thì thôi.
Dù giá trị cao hơn nhưng nước khoáng không thay thế được nước tinh khiết. Có nghĩa là, trong cuộc sống hàng ngày, nên uống nước đun sôi để nguội, nước tinh khiết để cung cấp đủ nước cho cơ thể hơn chứ đừng nghĩ rằng nước khoáng tốt hơn mà lạm dụng chỉ uống nước khoáng. Nếu quá chuộng nước khoáng, hấp thụ nhiều các khoáng chất vào cơ thể thậm chí bạn còn nhiễm bệnh như sỏi thận, cao huyết áp…
Như vậy, chúng ta đã phân được các loại nước đang sử dụng trong đời sống hàng ngày. Kết lại, nước khoáng, nước suối hay nước tinh khiết đều tốt cho sức khỏe nếu như quy trình sản xuất đảm bảo và chúng ta biết sử dụng hợp lý.
Tuy nhiên, các sản phẩm nước đóng chai trên thị trường khá mập mờ về chất lượng. Nếu bạn có nhu cầu sử dụng nên cho thương hiệu uy tín và phân biệt rõ bạn cần loại nước nào. Còn không, để đảm bảo cho sức khỏe, nên sử dụng nước sạch đun sôi để nguội và sử dụng trong ngày.
P.V (TH)