Ngày 3/7, báo Thanh niên đưa tin về một xưởng chuyên sản xuất hàng tấn bún tái chế mỗi ngày. Cụ thể, cơ sở sản xuất bún tươi của bà Hoa, nằm trên đường số 4, P.4, Q.8 cho ra lò hàng tấn bún tái chế mỗi ngày. Phía trong xưởng sản xuất rất mất vệ sinh.
Qua tìm hiểu, được biết lò bún của bà Hoa thường xuyên thu gom bún ế, bún thiu về tái chế thành bún mới. Hàng ngày, có hàng chục lượt xe máy, xe ba gác cùng ô tô vào xưởng sản xuất bún của bà Hoa lấy bún giao cho khắp các chợ như: chợ Phú Xuân (H.Nhà Bè), chợ Tân Mỹ (Q.7), chợ Tân Quy (P.Tân Quy, Q.7)… Tiêu thụ hàng chục tấn bún mỗi ngày.
Những công nhân ở đây đều đi chân đất, không mặc áo, tay không làm bún. Ảnh: Hải Nguyên - Công Nguyên. |
Để bún cũ, bún ế sau khi được tái chế không bị hôi mà còn có mùi thơm, cơ sở dùng một loại dung dịch màu trắng trộn vào. Loại dung dịch này được bà Hoa bật mí mua ở chợ Kim Biên, Q.5.
Đoàn kiểm tra liên ngành Q.8 cùng lãnh đạo địa phương đến kiểm tra cơ sở sản xuất bún của bà Hoa phát hiện tại khu vực sản xuất bún có nhiều loại hóa chất, phụ gia, nhưng đại diện cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua bán, gồm: 7 kg hóa chất dạng bột trắng mịn; một số bột màu vàng chanh, màu trắng dạng cốm và dung dịch không màu, có mùi nhưng không rõ loại.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, lấy mẫu các hóa chất và bún để kiểm nghiệm, xác định các hóa chất phát hiện tại cơ sở sản xuất bún trên.
2. Xoài, măng cụt Trung Quốc gắn mác "made in Việt Nam"
Theo thông tin đã đưa trên báo Lao động, tại chợ Long Biên cứ 10 giờ đêm trở đi thì chợ tấp nập các loại xe tải chở hoa quả, khách buôn từ khắp nơi đến lấy hàng. Những mặt hàng này chủ yếu là từ Trung Quốc, đựng trong thùng xốp, nặng từ 8 - 10kg/thùng. Trước khi đem bán cho người tiêu dùng, các chủ sạp đều “gắn mác” cho loại xoài, thanh long, măng cụt Trung Quốc này thành những loại hoa quả “đặc sản” Việt Nam, Australia, Thái mà người tiêu dùng không hề hay biết.
Tiếp cận với một chủ kiốt trong chợ, tiểu thương này cho biết: Xoài loại to là 45.000 đồng/kg, măng cụt 50.000 đồng/kg; thanh long 35.000 - 40.000 đồng/kg…
Xoài được bọc báo và chuyển sang thùng catton khác trước khi chuyển đi các tỉnh lẻ, các chợ trên địa bàn nội đô. |
Ghi nhận tại chợ Long Biên, các tiểu thương và người bọc hoa quả thuê sau khi lấy xoài ra khỏi thùng xốp in chữ Trung Quốc đều bọc bằng báo cẩn thận cho vào một thùng giấy khác và cuối cùng, không quên kèm theo gói thuốc chống thối nhét dưới đáy thùng và dán băng dính. Trước đó, người ta bóc hết nhãn mác Trung Quốc ghi trên các thùng xốp. Nhiều người dù để nguyên, nhưng khi về đến sạp thì bỏ thùng xốp.
3. Bình sữa “cao cấp” siêu rẻ: Mớm bệnh cho con
Đài truyền hình VTV1 đưa tin, các loại bình đựng sữa không ghi nguồn gốc xuất xứ, không có thông tin sản phẩm, các loại bình pha sữa bằng nhựa của trẻ em được bán với giá vài chục ngàn đồng vẫn được nhiều bậc cha mẹ lựa chọn cho con.
Tại các cửa hàng bán đồ dùng cho bé hiện nay có rất nhiều loại bình sữa, từ loại bằng nhựa thường cho đến bằng nhựa diệt khuẩn, thủy tinh hoặc cao cấp hơn là bình sữa công nghệ nano. Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là các loại bình nhựa của Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Đức, Anh…
Bình sữa "cao cấp" siêu rẻ được bày bán tràn lan. |
Bên cạnh đó, nhiều loại bình mẫu mã đẹp với những hình trang trí ấn tượng, bắt mắt nhưng không có thông tin gì về sản phẩm chỉ ghi đơn giản là "Nhựa cao cấp", được bán với giá rẻ chỉ bằng 1/3 - 1/5 so với các loại bình của hãng có tên tuổi. Ngay cả trong các siêu thị lớn, những loại bình siêu rẻ của Trung Quốc.
Theo các bác sĩ, loại bình này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe của bé. Khuyến cáo từ các chuyên gia hóa học, các loại bình nhựa đều không nên dùng ở nhiệt độ cao, nếu không chất tổng hợp polymer có thể được giải phóng ra ngoài gây đột biến cho cơ thể và gây ung thư.
4. Tôm hùm, cua bể siêu rẻ trên vỉa hè Sài Gòn
Ghi nhận từ báo Infonet, gần đây, trên các đường phố Sài Gòn xuất hiện rất nhiều loại hải sản như tôm, cua, ghẹ, nghêu, hàu… được bày bán tấp nập với giá rẻ không ngờ. Như tôm sú 60.000 đồng/kg, tôm hùm 120.000 - 150.000 đồng/kg, nghêu 13.000 đồng/kg, cá mú 100.000 đồng/kg… Trong các loại hải sản vỉa hè này thì cua biển là phong phú nhất về giá. Một kg cua cùng loại được bán với giá từ 60.000 - 120.000 đồng tùy người bán và địa điểm. Do sự “rẻ bất ngờ” như thế nên rất nhiều người dân tò mò mua thử về ăn.
Trong các loại hải sản vỉa hè, cua biển là đa dạng và đặc biệt nhất. Ảnh: Hà Linh (Nguồn: Infonet) |
Một người bán hải sản trên đường Đỗ Xuân Hợp thừa nhận, hàng ở đây có giá rẻ ngoài lý do không tốn kém về chi phí mặt bằng còn vì là nguồn hàng dạt, hàng càng chết lâu, càng ươn thì giá bán càng rẻ. Ngoài ra, các loại tôm, cua, ốc biển nuôi… cũng bị dán nhãn hàng đánh bắt ngoài biển. Nhưng cũng theo tiết lộ của chị Dung, chỉ người bán có kinh nghiệm mới biết được hải sản nào là loại nuôi, đâu là loại đã ươn, vì người bán nào cũng có chiêu giữ cho hải sản chết có màu tươi như còn sống.
5. Váng sữa nhập ngoại: "Thần thánh" hóa chất lượng, lừa người tiêu dùng
Ngày 4/7, báo Công thương cho hay, váng sữa là loại thực phẩm được người tiêu dùng rất ưa chuộng, đặc biệt là các bà mẹ có con nhỏ. Do tâm lý dành mọi thứ tốt nhất cho con, nên mặc dù giá rất cao, nhiều chị em vẫn chọn các loại váng sữa nhập ngoại. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường có quá nhiều các thương hiệu váng sữa nước ngoài được các nhà sản xuất quảng cáo “thần thánh hóa” về chất lượng.
Váng sữa ngoại không đạt hiệu quả "thần kỳ" như quảng cáo. |
Bác sỹ Lê Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Khám dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Trung ương - chia sẻ, dòng sản phẩm váng sữa nhập khẩu đang được nhiều nhà phân phối và người bán quảng cáo một cách "thần thánh hóa" về hiệu quả, như: Giúp trẻ chóng lớn, bổ sung hàm lượng canxi cao (thường giới thiệu ở mức 15%), phát triển chiều cao vượt trội… Chưa kể, một số loại được giới thiệu có hàm lượng vitamin, khoáng chất dồi dào, phong phú. Điều này khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng sản phẩm này là "những gì tốt nhất được chắt lọc từ sữa", nên cho con ăn thay sữa.
Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng in trên nhãn sản phẩm lại không ghi cụ thể là những loại vitamin, chất khoáng nào, hàm lượng bao nhiêu. Có loại được quảng cáo là váng sữa Pháp, "bổ sung năng lượng và các chất dinh dưỡng đặc biệt cho các bé biếng ăn, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể…", nhưng thành phần ghi trên vỏ hộp không có gì đặc biệt: Sữa nguyên kem, tinh bột sắn biến tính, đường, bột bơ sữa, muối và các hương vị, tương tự như các loại váng sữa khác trên thị trường.
6. Yến sào hảo hạng: Độn tinh bột, rửa thuốc tẩy
Thông tin từ báo Sài Gòn tiếp thị cho biết, hiện nay, những chiêu thức làm yến sào giả đánh lừa người tiêu dùng bao gồm: yến trắng nhuộm thành yến huyết, yến độn (dùng tổ yến vỡ rồi vá, độn thêm tinh bột hay đường hóa học vào yến tinh chế), yến làm bằng tinh bột, phun sương để tăng trọng lượng…
Đặc biệt, công nghệ làm sạch yến sào bằng thuốc tẩy cũng được phơi bày trên nhiều trang mạng xã hội. Để biến thành huyết yến, hoặc yến đặc biệt bán giá cao hơn, người ta nhuộm thêm màu vàng, đỏ… Không chỉ phơi bày công nghệ làm yến sào mất vệ sinh, bài viết còn cung cấp thông tin Malaysia và Indonesia mỗi năm sản xuất ít nhất 800 đến 2.000 kg tổ yến. Một số nhà máy sử dụng H2O2 (hóa chất có độc tố rất mạnh, có thể gây ung thư, tuyệt đối cấm cho vào thực phẩm) để tẩy mùi tổ yến, còn SO2 và SO3 thì dùng để làm trắng tổ yến…
Quy trình chế biến yến sào trong giai đoạn ngâm thuốc tẩy. |
Theo TS Lê Quang Trí, trưởng phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, khoa công nghệ thực phẩm đại học Công nghệ Sài Gòn, chất SO2 dù được dùng làm chất sát khuẩn chống men, mốc và vi khuẩn trong môi trường hay tẩy màu trong công nghiệp sản xuất đường, giấy và bột giấy nhưng hàm lượng phải tuân theo quy định, đảm bảo dư lượng trong phạm vi cho phép, để không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng (tùy loại thực phẩm và quy định của mỗi quốc gia mà hàm lượng này khác nhau).
Còn TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết sử dụng thuốc tẩy để tẩy trắng tổ yến "có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày và niêm mạc ruột, nếu hấp thu vào máu sẽ ảnh hưởng xấu đến các cơ quan khác như gan, thận…"