Ông nhà giàu dạo bước
Trên phố quen hoàng hôn
Gặp chú đánh giày buồn
Lam lũ gầy khổ sở
Chú nhóc năn nỉ mời
Ông đánh giày cho con
Để kiếm vài đồng gầy
Mua cơm nuôi em nhỏ
Chạnh lòng thương trẻ khó
Ông lơ đãng gật đầu
Có đáng là bao nhiêu
Vài ba đồng tiền lẻ…
Giày xong ông móc ví
Đưa tờ 200 ngàn
Chú bé cầm ngần ngừ
Ông chờ con đi đổi
5 đồng thôi ông hỡi
Đủ bữa tối hôm nay
Anh em con gặp may
Xin ông chờ một chút…
Đã qua 30 phút
Cậu bé không trở về
Ông lắc đầu : chán ghê
Trẻ nghèo hay gian lắm…
Cơm tối xong đứng ngắm
Trăng mới mọc gió hiu
Trong vườn hoa thơm nhiều
Quên bực mình trẻ gạt…
Chuông cửa reo, tiếng quát
Đi chỗ khác mà xin
Nghèo khổ biết phận mình
Lộn xộn tao bắt nhốt…
Ông thong thả cất bước
Thấy một nhóc gầy gò
Đang mếu máo co ro
Giống tên đánh giày đó…
Có việc gì đấy cháu
Từ từ nói ta nghe
Anh bảo vệ yên nha
Đừng làm trẻ con sợ …
Thằng bé con ấp úng
Hồi chiều nay anh tôi
Cầm tiền của ông rồi
Băng qua đường đi đổi
Chẳng may bị xe cán
Gãy mất chân rồi ông
"Một trăm chín lăm đồng"
Bảo tìm ông trả lại !
Anh tôi giờ nằm liệt
Chỉ muốn xin gặp ông …
Một lần nữa chạnh lòng
Rảo bước theo thằng bé
Đến ổ chuột xập xệ
Gặp thằng anh đang nằm
Mặt xanh tái như chàm
Thở ra tuồng hấp hối
Nói gấp hơi như vội
Xin ông thương em con…
Cha mẹ đã không còn
Con đánh giày nuôi nó…
Nay không may con khổ
Chỉ xin ông việc này :…
Cho em con đánh giày
Mỗi ngày cho ông nhé …
Kiếm lấy vài đồng lẻ
Mua cơm sống mà thôi …
Chợt thằng anh duỗi tay
Hơi thở lịm như tắt …
Ông già trào nước mắt
Ta sẽ lo em con
Cho ăn học bình thường
Như bao đứa trẻ khác
Cứ bình tâm an lạc
Bệnh viện tiền ta cho…
Thằng anh đã xuội lơ
Hồn bay về thiên giới
Nhân cách nghèo cao vợi
Môi nhợt thoáng nụ cười
Nó sống trọn kiếp người
Dù nghèo nhưng tự trọng
Bao người giàu-danh vọng
Đã chắc gì bằng đâu ! …
Gần 3.000 Like, 338 lượt chia sẻ và 338 lời bình cho một bài thơ đầy ý nghĩa về nhân vật cậu bé đánh giày tuy nghèo đói nhưng có lòng thiện tâm. Nhiều thành viên mạng xã hội sau khi đọc xong đều rớt nước mắt vì cảm động, nhiều bạn để lại những dòng mến phục tấm lòng của cậu bé đánh giày trong bài thơ trên, "nghèo mà có tình", "đọc xong rơi nước mắt", "khóe mắt cay cay", "cảm động quá"…
Thành viên Gió Lạnh xúc động chia sẻ: "Đọc xong mà cay sống mũi, thương cậu bé đánh giày quá". Bạn Hồng Nguyễn Thị lần nào cũng khóc mỗi khi đọc lại bài thơ: "Đọc nhiều rồi nhưng mỗi lần đọc vẫn rơi nước mắt", bạn Hoang Diem cũng đồng cảm: "Đây là lần thứ hai mình đọc lại bài thơ này, nước mắt ngân ngấn trực chờ trào ra. Thương thay thân phận kiếp nghèo, phục thay nhân cách vẹn tròn chữ nhân".
Phanlieu Phanlieu tâm sự: "Cuộc sống thật bất công! Có những mảnh đời khó khăn nhưng họ vẫn có nghị lực phi thường để sống, tuy nghèo nhưng cũng sống tốt, không để cái nghèo lấy đi cái thiện trong con người". Một thành viên có nickname Sanin Ngoc Hieu nhận định: "Người nghèo nhưng tâm hồn không nghèo". Bạn có Tư Ù Nguyễn bùi ngùi xúc cảm tâm sự: "Cảm động! Cuộc sống bon chen, xã hội thay đổi làm lòng nguời cũng thay đổi, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những người không vì đồng tiền mà đánh đổi nhân cách của mình, đừng nghĩ rằng thế giới này chỉ là màu đen".
Đây là câu chuyện có thật do chính người trong truyện thuật lại. Ông là một giáo viên người Anh. Mỗi khi kể, ông thường không cầm được nước mắt, xúc động nghẹn ngào. Ông nói: Nhà tôi ở một phố giữa Thủ đô Luân Đôn. Một hôm, tôi vừa ra khỏi cửa thì gặp một cậu bé chừng mười hai, mười ba tuổi ăn mặt tồi tàn, rách rưới; mặt mũi gầy gò, xanh xao; chìa những bao diêm khẩn khoản mời tôi mua giúp một bao. Tôi mở ví tiền và chép miệng: - Rất tiếc là tôi không có xu lẻ. - Thưa ông , không sao ạ.Ông cứ đưa cho cháu một đồng tiền vàng . Cháu chỉ chạy loáng một lát đến hiệu buôn để đổi, rồi hoàn lại cho ông tiền lẻ còn thừa. Tôi chăm chú nhìn cậu bé và lưỡng lự : - Thật chứ ? - Thưa ông , thật ạ. Cháu không phải là một đứa dối trá. Nét mặt của cậu bé trông rất cương trực và tự hào tới mức làm tôi tin và giao ngay cho cậu một đồng tiền vàng. Nhưng năm phút, mười phút, rồi mười lăm phút trôi qua mà vẫn không thấy cậu trở lại. Tôi bắt đầu nghi ngờ cậu bé. Nửa giờ sau, chờ mất công, tôi lững thững tiếp tục cuộc dạo chơi và tự nhủ:'' Cần rút kinh nghiệm, không nên tin vào bọn trẻ này''! Vài giờ sau, khi trở về nhà, tôi ngạc nhiên , thấy có một cậu bé đang đợi tôi. Diện mạo cậu bé này rất giống cậu bé đã cầm tiền của tôi, nhưng nhỏ hơn vài tuổi, gầy gò, xanh xao hơn và thoáng một nỗi buồn tuyệt vọng: - Thưa ông , có phải ông vừa đưa cho Rô-be một đồng tiền vàng không ạ ? Tôi kẽ gật đầu . Cậu bé tiếp : - Thưa ông , đây là tiền lẻ hoàn lại… Rô-be nhờ cháu… mang đến trả ông… Rô-be là anh cháu… chúng cháu mồ côi… Anh cháu không thể mang tiền trả ông được.. vì anh ấy bị xe chẹt… đang nằm ở nhà và khó lòng… sống nổi… Em bé không nói được hết câu vì những tiếng nấc xé lòng. Tôi sững sờ cả người, tim se lại vì hối hận, hỏi dồn: - Vậy bây giờ Rô-be ở đâu? Hãy đưa tôi đến. Sau khi dừng lại một chút trước chiếc hầm nhỏ của một căn nhà đổ nát, em bé nói: - Thưa ông, đây là nhà của chúng cháu. Trong một góc tối của căn hầm, cạnh chiếc bếp lò cũ kĩ đã tắt ngắm từ lâu, giữa một đống giẻ rách, tôi nhận ra Rô-be nằm dài, bất động. Mặt em lúc này trắng bệch. Một dòng máu đỏ từ trán chảy xuống. Rô-be đưa mắt nhìn về phía tôi, giọng thều thào, yếu ớt: - Thưa ông, ông hãy lại gần đây. Tôi quỳ xuống bên em, cầm lấy bàn tay em- bàn tay khẳng khiu, gầy gò, đáng thương, lạnh ngắt. - Sác-lây, em đưa tiền trả ông rồi chứ? Cậu bé gật đầu, mắt vẫn sưng mọng. - …Ôi! Đấy, ông xem, cháu không phải là đứa dối trá mà. Tôi cúi sát xuống người em, cầm lấy bàn tay em, hôn vào chỗ trán bị thương nứt rạn và nói với Rô-be rằng:” Em hãy bình tâm, dù bất cứ tình huống nào, tôi cũng sẽ nuôi nấng Sác-lây cho em”. Tôi nói dịu dàng, âu yếm an ủi Rô-be, để cái chết của em được thanh thản. Bàn tay khốn khổ của em nằm gọn trong tay tôi lạnh dần, lạnh dần… Em bé nghèo túng của tôi đã từ giã cõi đời quá ngắn ngủi như vậy đấy. Cái chết đó làm cho tôi thấy rằng, trong cuộc đời tôi chưa hề được thấy một cử chỉ, hành động nào đẹp đẽ, cao cả như vậy. Một tâm hồn vô cùng cao thượng ẩn náu trong một em bé sống trong cảnh rất đỗi cực khổ nghèo nàn. |