Khoa học - Lịch sử 2011-06-24 15:52:44

Ảo ảnh kỳ lạ trong gương


Cô gái Clara Raise 23 tuổi ở Munich (Đức) trở về nhà sau một lần đi dạo. Như thường lệ, cô đứng ngắm mình trước tấm gương trong phòng riêng. Bất ngờ, cô thoáng thấy một người đàn ông có khuôn mặt quen quen đang chăm chú nhìn mình từ trong gương. Clara giật mình quay lại nhưng không thấy bất cứ ai…

Đến tối khi ngồi uống trà, ngay khi kể cho mẹ nghe về câu chuyện kỳ lạ trên, Clara sực nhớ khuôn mặt của người đó chính là ông bác Henrich đã chuyển sang Mỹ ở từ vài năm trước. Hai mẹ con Clara sau khi không thể giải thích được về hiện tượng kỳ lạ này đã quyết định thông báo cho người bác ở phía bên kia đại dương. Nhưng họ không kịp làm điều đó. Ngay hôm sau, một bức điện được chuyển tới, thông báo về cái chết bất ngờ của ông Henrich. Điều đáng nói nữa là ông Henrich ra đi vào đúng thời điểm Clara nhìn thấy ông trong gương.

Rất nhiều câu chuyện tương tự đã gây nên sự quan tâm của Raimond Moudy, một nhà bác học Mỹ chuyên nghiên cứu những hiện tượng sau cái chết. Nhà tâm lý học này quyết định bằng mọi cách phải khẳng định hoặc bác bỏ tính chất kỳ lạ của những chiếc gương, cho dù điều này có thể làm hỏng uy tín khoa học của ông. Thế là suốt hơn 10 năm sau đó, Moudy nghiên cứu một cách nghiêm túc về các ảo ảnh trong gương. Việc đầu tiên ông làm là biến tầng trên cùng nhà mình tại bang Alabama thành một phòng thí nghiệm đặc biệt. Đó là một căn phòng tối được che kín bằng những tấm rèm và bịt cửa sổ, trên tường có gắn một tấm gương khá lớn, cách đó 1 m là một chiếc ghế bành nhỏ. Nó được điều chỉnh sao cho phần đỉnh đầu của người ngồi chỉ được nhìn thấy ở phần dưới tấm gương. Góc nghiêng của chiếc ghế đảm bảo có thể quan sát được rõ mọi thứ trong tấm gương, khi bình thường vốn chỉ phản ánh không gian tối mịt đằng sau người tham gia thử nghiệm. Ngay đằng sau ghế, Moudy đặt một bóng đèn trang trí rất nhỏ, công suất chừng 15 w.

Thử nghiệm

Nhằm đảm bảo tính chất khách quan cho nghiên cứu, Moudy soạn thảo ra một loạt tiêu chí mà những người tham gia thử nghiệm cần phải đáp ứng. Đầu tiên đó phải là những người đã trưởng thành, không có định kiến và quan tâm đến lĩnh vực nhận thức của con người. Thứ hai, họ không có những triệu chứng rối loạn về tinh thần hay tình cảm. Ngoài ra, những người đó cần có khả năng tường thuật chi tiết và cặn kẽ, biết cách diễn giải chính xác những suy nghĩ của mình. Cuối cùng, không ai trong số họ được có tư tưởng sùng bái tôn giáo.

Moudy chọn được 10 người trong số những người quen đáp ứng được những điều kiện trên, chủ yếu là sinh viên, luật sư, chuyên gia tâm lý, nhân viên y tế…

Mỗi người trong số họ đều được Moudy mô tả chi tiết về kế hoạch của mình, về cách họ cần làm để có thể gợi ra những ảo ảnh. Ban ngày, người tham gia được chuẩn bị từ trước, xem xét những tấm ảnh của người thân đã khuất, đụng chạm đến những đồ vật kỷ niệm và hồi tưởng lại. Tối đến, anh ta được đưa vào phòng thí nghiệm, yêu cầu thư giãn, giải phóng bộ não trước tất cả mọi suy nghĩ, ngoại trừ về người thân đã mất mà mình muốn thấy, sau đó nhìn chăm chú vào trong gương.

Trước khi bắt đầu thử nghiệm, Moudy dự đoán tỷ lệ người nhìn thấy ảo ảnh chỉ là 1/10, trong khi thực tế cho thấy có tới gần nửa số người tham gia nhìn thấy. Trong số này, một người đàn ông tham gia thử nghiệm đầu tiên - vốn là một quan chức cấp cao của ngân hàng Citibank ở New York đã “nhìn thấy” người mẹ đã mất của mình. Còn một nhà phẫu thuật khác cho biết, ông không những nhìn thấy mà còn nói chuyện với mẹ mình. Tất cả những người tham gia thử nghiệm từng gặp ảo ảnh đều khẳng định, họ đã tích cực “giao tiếp” với những người thân. Tất nhiên cũng có nhiều điểm khác biệt trong những trường hợp trên. Có người khẳng định họ quan sát được người thân như ở phía sau tấm gương, một số khác cảm thấy như tự mình bước vào trong gương. Khoảng 10% còn khẳng định, ảo ảnh đã bước ra khỏi gương để đến với họ (điều này có thể giải thích bằng các dạng tâm lý khác nhau của con người: họ có thể là người hướng nội - introvert hay người hướng ngoại - extrovert).

Vai trò của hai bán cầu não

Chuyên gia liệu pháp tâm lý tại Saint Peterburg (Nga) là Victor Vetvin cũng đã áp dụng khá thành công những kết quả thử nghiệm của Moudy cho công việc chữa bệnh. Hiện tiến sĩ Vetvin đã có trung tâm điều trị tâm lý riêng với một phòng gương đặc biệt. Để nâng cao hiệu quả, ông còn sử dụng âm thanh nổi đặc biệt nhằm đồng bộ hoá hoạt động của các bán cầu não. Nhiều bệnh nhân của Vetvin sau khi vào phòng gương đã có được những chuyển biến khá kỳ diệu. Ví như một phụ nữ trẻ một thời gian dài bị trầm uất vì con trai 5 tuổi bị xe cán chết, sau buổi giao tiếp 10 phút trong vòng gương, đã bước ra ngoài với bộ mặt khác hẳn và một nụ cười đầu tiên sau suốt nhiều tháng.

Những kết quả trên cho thấy, việc sử dụng đúng đắn khả năng kỳ diệu của những tấm gương có thể tạo ra những tác động liệu pháp tâm lý mạnh mẽ. Hầu như tất cả những ai đã thành công trong việc tiếp xúc với người thân đã mất trong phòng gương đều thừa nhận: họ đã loại bỏ được nỗi đau về sự mất mát người thân, tâm hồn họ cũng nhẹ nhõm đi nhiều. Họ đã tiếp nhận cuộc sống theo một cách mới và không còn cảm thấy sợ cái chết nữa…

Vậy giải thích thế nào về hiện tượng kỳ lạ của những tấm gương? Từ lâu, phần lớn mọi người đều đã rõ, các bán cầu não phải và trái của chúng ta thực hiện những chức năng khác nhau. Bán cầu trái là nguồn gốc của những tư duy logic. Nếu được phát triển tốt, nó có khả năng xác định được vấn đề chủ chốt nhất trong một tập hợp đa dạng, đưa ra những chỉ dẫn logic hợp lý, các mẫu công thức, diễn giải chúng dưới dạng dễ hiểu đối với những người khác và cuối cùng là những khả năng về đánh giá và phân tích… Tuy nhiên, bán cầu này lại hoàn toàn không thể hình thành một quan niệm hoàn chỉnh về thế giới đa dạng xung quanh.

Đây lại chính là sở trường của bán cầu não phải. Chính nó đã cho phép chúng ta nhìn thấy mọi sự vật, hiện tượng theo nhiều mặt và trong sự đa dạng của các mối liên hệ tương hỗ. Hơn nữa, tư duy của bán cầu phải lại đóng vai trò quyết định đối với bất cứ hoạt động sáng tạo nào, kể cả về mặt nghệ thuật lẫn khoa học. Chính nó là nguồn gốc của những linh cảm, của khả năng nảy sinh những ý tưởng mới, của việc xuất hiện những quyết định khác thường… Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, chính phần bán cầu này giúp chúng ta hấp thụ những kiểu mẫu từ trường thông tin của vũ trụ - vốn là nguồn gốc của những cảm hứng và linh cảm.

Sóng âm cũng làm nên chuyện

Trong vài thập niên gần đây, các nhà khoa học ngày càng chú ý nhiều hơn đến bán cầu não bên phải được coi là vẫn chưa được đánh thức tiềm năng nhiều. Một trong những phương pháp nhằm mục đích này đã được triển khai tại Viện khoa học ứng dụng (bang Virginia, Mỹ). Trên cơ sở của phương pháp Hemi Sync (Hemispheric synchronization - có nghĩa là đồng bộ hóa công việc của các bán cầu não), người ta cho áp dụng những xung âm thanh đặc biệt được truyền qua các tai nghe. Hơn 60.000 cuộc thử nghiệm trên khoảng 3.000 người đã chứng minh một cách thuyết phục hiệu quả của phương pháp trên. Người ta còn ghi nhận một phát hiện mới: việc kết hợp đặc biệt các tần số âm thanh có khả năng làm thay đổi tần số và cường độ của sóng não, nhờ đó làm tăng khả năng tập trung, sự chú ý, bảo đảm khả năng tiếp cận đồng thời với một vài mức độ nhận thức. Hơn nữa, tại một vài tần số đã định, nhận thức con người có thể mở rộng hơn nữa: thay cho 5 giác quan thông thường, xuất hiện thêm giác quan thứ 6.

Khi Vetvin nghe tin về những kết quả trên, ông đã nảy sinh một ý tưởng bất ngờ: liệu có thể kết hợp phương pháp Hemi - Sync với phòng gương của ông không? Liệu tác dụng kỳ lạ của gương có thể thúc đẩy mạnh hoạt động của bán cầu não phải? Kết quả thử nghiệm sau đó của Vetvin đã đạt hiệu quả ngoài mong đợi. Sự kết hợp của những nhịp điệu âm thanh đặc biệt cùng với phòng gương đã mang lại tác dụng nhanh chóng.

Đến đây lại nảy sinh một câu hỏi: nếu các tín hiệu âm có tác dụng, liệu có cần đến những tấm gương nữa hay không? Vấn đề là ở chỗ, gương vẫn có những tính chất riêng biệt của nó. Thứ nhất là bản thân chúng cũng có thể đưa con người vào những trạng thái thay đổi về nhận thức. Gương cộng với những âm thanh đặc biệt sẽ trở thành một tác động kép tăng cường rất hiệu quả. Thứ hai là trong những điều kiện nhất định nào đó, gương có thể trở thành một dạng màn ảnh, nhờ đó các dạng tư duy xâm nhập vào não con người hay phát ra bên ngoài có thể nhìn thấy được. Trong nhiều trường hợp, các kính thuỷ tinh và một số tinh thể cũng có thể khuếch đại lên nhiều lần những phát xạ từ não người tác động tới chúng. Cho dù thế nào, việc khám phá đầy đủ bản chất của những tấm gương vẫn còn đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức nữa.

( Vietbao.vn)




Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)