[size=7]Giá cổ phiếu bằng ly trà đá[/size]
Giá nhiều loại cổ phiếu (CP) trên sàn chứng khoán hiện chỉ còn 2.000 đồng, 2.300 đồng…, tương đương một ly trà đá.
Trong lịch sử 11 năm hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, chưa khi nào CP có giá thấp như thế.
Kinh doanh thua lỗ
Trên hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đang có vài chục CP có giá từ 2.000 - 5.000 đồng. Những CP đang có giá giao dịch dưới 3.000 đồng/CP khá nhiều chẳng hạn: Công ty cổ phần (CTCP) nhựa Tân Hóa (VKP) 2.000 đồng/CP; CTCP Basa (BAS) 2.300 đồng/CP; CTCP chế biến và XNK thủy sản Cadovimex (CAD) 2.500 đồng/CP; CTCP hàng hải Sài Gòn (SHC) 2.700 đồng/CP; CTCP hàng hải Hà Nội (MHC) 2.900 đồng/CP…
Nguyên nhân đầu tiên để những CP này chỉ còn giá quá thấp hiện nay là do kết quả kinh doanh thua lỗ từ năm 2010 và kéo dài sang quý 1/2011. Thậm chí trong số đó nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục đưa ra kế hoạch kinh doanh cả năm 2011 tiếp tục bị lỗ như CTCP hàng hải Sài Gòn (SHC) năm 2010 đã bị lỗ 13,63 tỉ đồng, kế hoạch năm 2011 đã được cổ đông thông qua sẽ tiếp tục lỗ 6,3 tỉ đồng. CTCP nhựa Tân Hóa (VKP) năm 2010 lỗ 35,67 tỉ đồng, dự kiến năm 2011 lỗ 17,79 tỉ đồng…
Ông Huỳnh Anh Tuấn - TGĐ Công ty chứng khoán SJC - nhận xét: Đôi khi giá CP đang giao dịch trên thị trường không phản ánh chính xác giá trị của DN. Tuy nhiên với những DN đang bị thua lỗ thì giá CP giảm liên tục là điều dễ hiểu. Đặc biệt trong số đó có những DN rất chật vật để ổn định hoạt động trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang khó khăn.
Theo ông Vũ Trần Dương - Phó TGĐ Công ty chứng khoán Đông Dương - trong bối cảnh TTCK suy yếu từ đầu năm đến nay thì đa số CP đều bị giảm giá. Những DN bị thua lỗ, không có nội lực tốt thì giá CP càng giảm mạnh hơn. Các nhà đầu tư (NĐT) nắm giữ những CP này rất bi quan bởi DN tiếp tục lỗ sẽ có nguy cơ phá sản, đối diện với khả năng bị loại ra khỏi sàn niêm yết…
Mua vào được không?
Theo ông Vũ Trần Dương, cơ hội đầu tư vào những CP giá thấp vẫn có nhưng kèm theo đó là rủi ro cao, tỷ lệ cơ hội và rủi ro đang ở mức 50/50. Vì vậy nếu NĐT nào chấp nhận mạo hiểm để mua vào CP nên xem xét và phân tích kỹ vì sao giá CP giảm mạnh trước khi ra quyết định. Cần lưu ý phân tích chi tiết báo cáo tài chính quý 2/2011 như tổng nợ/tổng tài sản để xem khả năng hoạt động sắp tới của DN như thế nào?
Còn theo ông Huỳnh Anh Tuấn, trong điều kiện bình thường thì giá CP sẽ luôn luôn được giao dịch cao hơn giá trị sổ sách của CP đó (Book Value). Nhưng khi giá CP được giao dịch dưới Book Value thì có thể NĐT không đánh giá cao về triển vọng công ty trong khi môi trường đầu tư chung hiện nay cũng không thuận lợi.
“Quan niệm giá CP dưới mệnh giá 10.000 đồng là rẻ đã trở thành quan niệm lỗi thời. Bởi nếu mua CP giá thấp để nhận cổ tức thì cũng chỉ ngang bằng hoặc thấp hơn lãi suất ngân hàng hiện hành. Nói chung sự cạnh tranh thu hút vốn của TTCK hiện nay kém hơn nhiều so với kênh ngân hàng nên thị trường còn phải tiếp tục chờ đợi, nhất là chờ bài toán lãi suất và lạm phát được giải quyết ổn thì chứng khoán mới có cơ hội trở lại”, ông Tuấn nói.
Theo phân tích của chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí, giá CP xuống thấp rồi sẽ tăng lại, tuy nhiên một khi kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết xong thì cơ hội cho TTCK sẽ còn lâu mới trở lại.
Ông Chí nhận xét: Nhiều người biết rằng hiện nay chỉ cần nhịn ăn một bữa sáng cũng có đủ tiền mua 10 - 20 CP nhưng vấn đề là mua rồi khi nào CP sẽ tăng giá? Nguồn vốn có đủ nhiều để mua tiếp nếu giá CP vẫn xuống hoài hay không?
Cũng theo ông Chí, các NĐT trên TTCK đang cảm thấy họ bị phân biệt đối xử bởi các chính sách tiền tệ vừa qua. Dường như nhiều người và thậm chí cơ quan quản lý đang xem TTCK là “tội đồ” trong câu chuyện dư nợ phi sản xuất của các ngân hàng tăng cao…
“Làm thế nào để tạo lại niềm tin và duy trì niềm tin vào sự tăng trưởng của TTCK cho các NĐT hiện nay mới quan trọng. Khi có niềm tin đó họ mới đưa vốn vào mua CP và chờ đợi thời điểm thị trường quay đầu. Còn nếu không thì tất cả đều đứng ngoài và rõ ràng chuyện giá các CP rẻ như ly trà đá mà vẫn bị ế là chuyện tất yếu”, ông Lê Đạt Chí nói.
Các chuyên gia chứng khoán đều đang e ngại đến việc sau hàng loạt NĐT rời bỏ TTCK vì bị thua lỗ, hiện tượng các công ty niêm yết xin rút khỏi sàn cũng như các nhà đầu tư ngoại cũng ra đi sẽ khiến cho TTCK Việt Nam trở lại cảnh “tiêu điều” như thời kỳ mới hoạt động. Điều đó cho thấy một bước thụt lùi về thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung.