Phiên tòa được bắt đầu từ 8 giờ sáng nay 02/4, với sự tham dự đưa tin của khoảng 50 cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế. Sau khi HĐXX thực hiện các trình tự xét xử theo quy định, kiểm tra căn cước các bị cáo, bị hại và những người liên quan đến vụ án.
Tại tòa, vị Đại diện VKSNDTP Hải Phòng đã công bố bản Cáo trạng số 10/CT-P1A của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng do ông Bùi Đăng Dung - Phó Viện trưởng VKSNDTP Hải Phòng ký ngày 04/1/2013 đã xác định: Năm 1993, Đoàn Văn Vươn, sinh năm 1963, thường trú tại thôn Thuý Nẻo, xã Bắc Hưng (Tiên Lãng - TP Hải Phòng) được UBND huyện Tiên Lãng giao 21 ha đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia thuộc xã Vinh Quang với thời hạn sử dụng 14 năm kể từ ngày 4/10/1993.
Đại diện VKSNDTP Hải Phòng (ảnh trên) đọc công bố cáo trạng truy tố và các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm (ảnh dưới).
Trong quá trình đắp bờ, ông Vươn đã lấn chiếm ra ngoài diện tích được giao 19,3 ha, UBND huyện Tiên Lãng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tiếp tục giao bổ sung phần đất lấn chiếm này cho ông Vươn để nuôi trồng thuỷ sản, thời hạn sử dụng đến ngày 4/10/2007.
Ngày 7/4/2009, UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 461/QĐ-UBND thu hồi diện tích 19,3 ha đất nói trên đã hết thời hạn sử dụng. Do không đồng ý với quyết định thu hồi đất, Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện đến Tòa hành chính Tòa án nhân dân TP Hải Phòng.
Vụ án được Tòa án địa phương giải quyết và giữ nguyên Quyết định số 461/QĐ-UBND, ngày 24/11/2011, UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 3307/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với diện tích 19,3 ha và ban hành kế hoạch tổ chức cưỡng chế. Quyết định thu hồi đất và kế hoạch cưỡng chế được UBND huyện thông báo cho Đoàn Văn Vươn, đồng thời chỉ đạo tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương giải thích, vận động nhưng Đoàn Văn Vươn vẫn không chấp nhận.
Sau khi nhận được thông báo của UBND huyện về việc cưỡng chế thu hồi đất đầm, ông Vươn đã nhiều lần cùng anh em trong gia đình gồm Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Thoại, Phạm Thái bàn bạc quyết tâm giữ lại khu đầm bằng mọi cách. Trong quá trình bàn bạc, Vươn nói phải chuyển từ tranh chấp dân sự hành chính sang vụ án hình sự. Trong khi, Quý nói: “bắn chết mẹ chúng nó đi”…
Theo đó, Vươn và Sịnh bàn bạc và thống nhất với mọi người làm hàng rào ngăn lối đi, làm mìn tự tạo chôn trên đường vào, mua xăng để đốt và dùng súng hoa cải bắn vào lực lượng cưỡng chế. Việc bàn bạc diễn ra tại nhà Vươn, nhà Quý và có mặt Nguyễn Thị Thương (vợ Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Báu (vợ Đoàn Văn Quý).
Thực hiện việc chống đối, Sịnh, Quý, Thoại, Thái, Báu, Thương và một số người trong gia đình cùng nhau làm năm hàng rào ngăn cản trên đường vào khu đầm, trải rơm trên đường đi; chuẩn bị súng, bình ga, vật liệu nổ… nhằm mục đích chống đối lại Đoàn cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng để giữ đầm bằng mọi giá.
Đến sáng ngày 5/1/2012, khi tổ công tác số 3 của UBND huyện Tiên Lãng tiến hành rà phá vật liệu cháy, vật liệu nổ trên đường dẫn vào khu đầm do Vươn đang quản lý, khi đến sát hàng rào thứ nhất cách nhà Quý khoảng 40m, Quý đã kích nổ mìn tự tạo làm bình ga tung lên, nhưng do bình ga không phát nổ nên không làm ai bị thương.
Tổ công tác thực hiện trách nhiệm của mình tiếp tục tiến đến hàng rào thứ hai sát với chuồng chăn nuôi cách nhà Quý khoảng 18m, lúc này Quý dùng súng hoa cải bắn phát thứ nhất vào nhóm bên trái chuồng chăn nuôi, thấy có người bị thương, Quý tiếp tục cầm khẩu súng thứ hai bắn vào nhóm bên phải chuồng chăn nuôi làm một số người bị thương.
Ngay lúc đó, Thoại từ trên tầng hai chạy xuống lấy một khẩu súng và mang theo đạn lên tầng hai, còn Quý tiếp tục nạp đạn và bắn phát thứ ba, lúc này Quý cũng nghe thấy tiếng súng nổ từ trên tầng hai. Sau đó Thái và Thoại từ tầng hai cầm súng chạy xuống bảo Quý rời khỏi nhà. Quý chạy ra đổ xăng và rơm đốt nhưng do đêm hôm trước trời mưa, rơm không cháy được thì Quý, Thoại, Thái cầm theo hai khẩu súng xuống thuyền bỏ trốn.
Hậu quả hành vi của Quý, Thái, Thoại sử dụng các công cụ, phương tiện tấn công vào tổ công tác số 3 làm bị thương bảy người gồm: Lê Văn Mải sinh năm 1957, Nguyễn Văn Phong sinh năm 1991, Vũ Anh Tuấn sinh năm 1979, Đào Văn Đức sinh năm 1976, Đỗ Xuân Trường sinh năm 1988, Đào Trọng Dũng sinh năm 1980 và Lê Văn Ghi sinh năm 1968. Sau khi giám định pháp y, kết quả cho thấy, các nạn nhân nói trên đều bị nhiều vết thương và giảm sức lao động, trong đó Lê Văn Ghi bị 16 vết tương, giảm 43% sức lao động; Đỗ Xuân Trường bị 9 vết thương, giảm 35% sức lao động; Lê Văn Mải bị 8 vết thương, giảm 25% sức lao động.
Sau khi gây án các đối tượng nêu trên đã bỏ trốn, sau đó lần lượt bị Công an TP Hải Phòng bắt giữ.
Bị cáo Đoàn Văn Vươn (ảnh trên); Tang vật vụ án (ảnh dưới) được công bố tại tòa.
Sau khi vào cuộc điều tra làm rõ vụ án, Cơ quan điều tra Công an TP Hải Phòng đã thu giữ 01 bình ắc quy; một làn nhựa; 4 vỏ đạn; 2 viên đạn có gắn nến màu đỏ; một đoạn dây điện; ống nhòm; 4 mảnh kim loại; 2 kíp nổ, 2 bình ga…
Khi bắt giữ Vươn, Sịnh, Vệ - CQĐT đã thu giữ thêm 3 điện thoại di động; 1 vỏ tút đạn bằng kim loại và một số giấy tờ khác. Với hành vi của các bị can, Viện kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng cho rằng, đã có đủ cơ sở xác định các bị can đã có hành vi đồng phạm tội giết người theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đối với Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu, VKS cho rằng, các bị cáo đã tiếp nhận ý chí của Vươn, Quý, Sịnh về việc chống lại người thi hành công vụ và có hành vi trực tiếp tham gia làm hàng rào, trải rơm, mua xăng, mua mũ len để tạo điều kiện cho các bị can khác thực hiện hành vi chống đối những người thi hành công vụ, do vậy có đủ cơ sở xác định các bị can đã có hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Sau khi kết thúc phần công bố cáo trạng, từ 10 giờ 15 phút, Hội đồng xét xử vụ án “ Giết người” và “ Chống người thi hành công vụ” đã chuyển tiếp sang phần xét hỏi các bị cáo và bị hại liên quan đến vụ án.
Theo Dân Trí