Ông Trần Văn T., một doanh nhân người Hà Nội, đi công tác đến miền đất của dê núi nên đã rẽ vào quán thịt dê, gọi tiết canh dê khai vị.
Ăn xong bát tiết canh, ông T. tiếp tục ăn thịt dê tái chanh cùng vài món làm từ thịt dê khác.
Nhưng chỉ 2 ngày sau, ông lên cơn sốt, đau đầu, buồn nôn và hôn mê nên được nhập BV bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu.
Ông Trần Văn T. đang nguy kịch
Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết ông T. bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn, tình hình rất nguy kịch.
Nguyên nhân được xác định do chính bát tiết canh dê mà ông đã ăn 2 ngày trước đó.
Lý giải về điều này, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BV bệnh Nhiệt đới Trung ương, nói:
'Không thể biết chính xác tại sao người đàn ông này ăn tiết canh dê nhưng lại nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Rất có thể, tại quán bán thịt dê đó có thực khách ăn tiết canh dê lớn, mà mỗi con dê chỉ có một lượng tiết nhất định nên tiết lợn được lấy pha lẫn tiết canh dê.
Hoặc có thể là tiết canh dê nhưng pha vào dụng cụ trước đó dùng đựng tiết canh của con lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn nên lây sang'.
Ngoài ra, theo bật mí của một cựu chủ quán bán tiết canh dê thì phần cuống họng dê nhỏ nên nhiều khi phải dùng sụn, họng lợn để băm, pha vào cùng với tiết dê. Mà phần họng lợn là nơi khu trú của liên cầu khuẩn.
Điều này lý giải tại sao có người ăn tiết canh dê vẫn mắc liên cầu khuẩn lợn.
'Bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn phải nằm viện điều trị lâu dài, phải lọc máu, chi phí rất tốn kém.
Sau điều trị, nhiều người có di chứng như phải cắt cụt tay, chân, bị điếc. Vì vậy, không nên ăn tiết canh của bất kỳ động vật nào', BS Cấp khuyến cáo.