Dù không quá chú ý vào việc xếp hạng, song những con số khẳng định chất lượng môi trường đô thị của Việt Nam thuộc nhóm 10 nước tệ hại nhất trên toàn cầu cũng khiến các nhà quản lý môi trường đáng suy nghĩ.
PGS.TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT thẳng thắn nhìn nhận: “Không nên bi quan mà phải dựa vào những thông tin đó để tìm cách cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay”.
Theo Báo cáo môi trường có tên gọi là “The Environmental Performance Index” – gọi tắt là EPI 2012 do Trung tâm nghiên cứu thuộc đại học Yale và đại học Columbia của Hoa Kỳ cùng với Liên hiệp Châu Âu thực hiện, ề chỉ số môi trường tổng quát, Việt Nam hiện đứng thứ 79 trong tổng số 132 nước được khảo sát. Chỉ số môi trường không khí, Việt Nam hiện đứng thứ 123 trên 132 nước được xếp hạng, và theo dự báo, sẽ tiếp tục rớt hạng trong thời gian tới.
Trước công bố này, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đã đưa ra quan điểm của Bộ TN-MT rằng bảng xếp hạng môi trường này có nhiều chỉ số không chính xác, nhưng xét trên bình diện tổng quan, phải thừa nhận là chất lượng không khí của Việt Nam không tốt.
GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị Việt Nam cũng thẳng thắn, số liệu quan trắc môi trường nhiều năm qua chứng tỏ rằng thực tế môi trường không khí ở các đô thị Việt nam chủ yếu là bị ô nhiễm rất nặng về bụi.
Thế nhưng, GS-TSKH Đăng cũng cho rằng, xét về khí ô nhiễm độc hại như SO2, NO2, CO thì môi trường không khí ở Việt Nam chưa bị ô nhiễm, còn tốt hơn so với nhiều đô thị trên thế giới và trong khu vực, như là Bắc Kinh, New Deli, Bangkok… Thêm nữa, ô nhiễm bụi nặng nề ở nước ta chủ yếu ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Hà Nội, TP HCM và các thành phố loại 1, loại 2, như là Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì, Cần Thơ, Buôn Ma Thuột…, trừ TP Đà Nẵng (năm 2011 TP Đà Nẵng được Ban Thư Ký ASEAN công nhận là 1 trong 10 thành phố có không khí sạch trong ASEAN), chất lượng môi trường không khí ở nhiều đô thị loại vừa và loại nhỏ của nước ta còn rất tốt.
Là một nhà khoa học nghiên cứu về môi trường nhiều năm, PGS-.TS Nguyễn Đình Hòe, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tỏ ra không có gì đáng ngạc nhiên. PGS-TS Hòe nói: “Bụi là đúng rồi. Chẳng có đô thị nào như Hà Nội hay TP.HCM lại suốt ngày đào bới như một công trường xây dựng như vậy”.
Dù tôn trọng ý kiến của tổ chức khoa học đã công bố, song PGS-TS Hòe cho rằng họ có thể nghiên cứu theo tiêu chuẩn và cơ sở thực nghiệm riêng, không nên chú ý vào thang tiêu chuẩn nhất, nhì, ba. Tuy nhiên, PGS-TS Hòe nhận xét, đúng là cách quản lý đô thị của Việt Nam có “vấn đề” mới để xảy ra tình trạng bụi khủng khiếp như thế. “Đi đâu cũng thấy bụi và ngột ngạt vô cùng”, TS Hòe nói.
GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng cũng đã chỉ ra nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở các đô thị chính là hoạt động xây dựng, giao thông… Do vậy, cần khắc phục và giảm thiểu triệt để ô nhiễm không khí trong các lĩnh vực hoạt động này. Ngoài ra, cơ quan quản lý môi trường phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), xử lý một cách nghiêm minh, công bằng, công khai, minh bạch và xử phạt kinh tế một cách đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm luật pháp về BVMT. GS-TSKH Đăng cũng kiến nghị cần ban hành Luật Không khí sạch. “Hiện rất nhiều nước trên thế giới đã có luật Không khí sạch từ lâu”, GS-TSKH Đăng nói.
(Bích Ngọc-Trúc Quỳnh)
(Theo baodatviet)