Cafe tám 2010-09-21 16:42:31

7X, 8X luyến tiếc Trung thu thời chới trung thu 'tự chế'


7X, 8X luyến tiếc Trung thu thời 'tự chế'

Chiếc đèn ông sao méo làm từ củi tre, hay đơn giản là ngọn nến gắn trong cái chai vỡ, chùm hạt bưởi phơi khô đốt sáng, màn múa hát cây nhà lá vườn đón trăng… là ký ức trung thu mà thế hệ 7X, đầu 8X còn nhớ mãi.

"Ngày xưa, trước Tết trung thu cả tháng là bọn trẻ chúng mình đã háo hức lắm rồi. Nào là nhặt hạt bưởi về phơi khô, xâu thành chuỗi để dành đốt, nào là rủ nhau tập văn nghệ, có đứa còn kỳ cạch làm đèn lồng, đèn kéo quân, đứa không làm được thì gắn nến vào đế chai vỡ làm đèn, thả nến vào hộp xà phòng…", Yên Minh, 27 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội phấn chấn khi kể lại kỷ niệm tuổi thơ của mình.

Nghĩ về cái "ngày xưa" cách đây hơn chục năm, Minh vẫn nhớ như in những buổi chiều ngày rằm, cả nhóm trẻ trong xóm rộn ràng, đứa cầm ghế, đứa mang tấm ni lông, hay có khi là một cục gạch… ra sân kho đầu làng xí chỗ để ngồi xem văn nghệ, rồi đợi buổi diễn xong là tất cả quây quần phá cỗ do các anh chị trong đội thiếu niên chuẩn bị.

"Thật ra hồi đó bọn mình xí chỗ cho mẹ, cho bà xem thôi, chứ bọn trẻ con lúc đó còn mải kéo nhau ra cánh gà sân khấu xem các diễn viên… thay đồ, hay hóa trang, rồi thi nhau chỉ chỏ: Đấy, chị Mai tao xinh nhất nhé, hay dì tao cao cao, mặc áo bộ đội kia kìa…", Minh kể.

Đồ chơi bán sẵn khắp nơi khiến trẻ em ngày nay mất đi cảm giác hứng thú được tự tay chuẩn bị cho Tết Trung thu. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Minh sinh ra và lớn lên tại một làng nghèo của Hà Tây cũ, nơi có phong trào văn nghệ rất mạnh và rằm tháng tám năm nào làng cũng tổ chức một buổi biểu diễn toàn "cây nhà lá vườn", tại sân kho, gần đình làng. Cứ đến gần ngày rằm, các nữ thanh niên trong làng sẽ đi đến từng nhà xin "tài trợ", có khi là mấy quả bưởi, quả na, ổi, ít gạo nổ bỏng hay vài đồng bạc lẻ để mua bánh kẹo phát cho các cháu chiều trung thu.

"Thường là ngày rằm, bọn mình vẫn phải theo bố mẹ đi gặt, chiều thì được về sớm hơn thường ngày một chút rồi đứa nào cũng hăm hở mặc bộ đồ đẹp nhất, ba chân bốn cẳng chạy ra sân kho, xếp hàng để nhận kẹo, mỗi đứa được có 2-3 cái thôi nhưng thích vô cùng", Minh nhớ lại.

Giờ đã lấy chồng xa, nhưng những ngày tháng 8 Minh vẫn thấy lòng khấp khởi nhớ về những mùa thu tuổi thơ rộn rã. "Bây giờ rằm ở quê mình cũng không còn diễn văn nghệ hay phát kẹo cho trẻ con nữa. Mọi người kéo nhau ra thành phố làm ăn, ngày rằm chỉ về nhà làm mâm cỗ đoàn tụ thôi, còn ai mà tập văn nghệ nữa. Trẻ con chắc cũng chẳng háo hức gì bánh kẹo rồi", Minh trầm ngâm thổ lộ.

Với Hải - nhân viên IT một công ty về phần mềm ở Hà Nội, thì đêm trung thu đáng nhớ nhất là màn bắn súng nước. Hải kể rằng, hồi nhỏ, anh sống trong một khu tập thể nghèo ở Hà Nội. Rằm tháng 8, vì toàn con nhà nghèo nên hầu như bọn trẻ không được bố mẹ mua cho quà bánh hay đồ chơi gì. Nhưng năm nào, cứ ngày đó, bố mẹ cho các con được tập trung lại một chỗ, thả phanh chơi đùa, nghịch ngợm mà không bị ai nhắc nhở hay giám sát.

"Bọn con gái thì thích hát múa, chơi trò công chúa, hoàng hậu, còn con trai tụi tôi thì thích nhất là chơi trò 'cao bồi', bắn nhau bằng súng nước, mà thật ra là pha nước mắm với mắm tôm vào với rồi đem bắn nhau đấy", Hải 'khoe' chiến tích tuổi thơ của mình.

Hải cho biết, để mua được một khẩu súng bắn nước, bọn trẻ phải "kiếm tiền" bằng cách đi lang thang trên phố, thấy có hạt táo nào thì nhặt lại, cóp được nhiều rồi đem đi bán.

"Nhớ lại hồi ấy vui thật, niềm vui rất… trẻ con. Tan buổi chơi, đứa nào đứa ấy ướt sũng, nồng nặc mùi mắm, nhưng vẫn thích chí ra mặt", Hải nói. Anh cho biết, hiện tại, khu tập thể cũ nơi anh từng ở không còn nữa, đám bạn "cao bồi" giờ cũng mỗi đứa một nơi nhưng nếu có dịp gặp nhau, không thể nào không nhắc tới những tối trung thu chia hai phe "ta", "địch" bắn nhau chí chóe thay cho màn phá cỗ dưới trăng.

"Ngày đó, dù chỉ có mỗi trò 'nghịch bẩn' ấy mà bọn mình đứa nào cũng thích đến trung thu, vì ngày thường thì tối đâu có được ra chơi thả phanh, nghịch ngợm tùy thích. Bây giờ ra đường là thấy các cửa hàng bánh kẹo nhan nhản, lồng đèn, súng ống, súng trường cũng đầy rẫy… nhưng sao vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó. Có lẽ vì trung thu không còn là Tết thiếu nhi nữa, trẻ con cũng ít được chơi như chúng muốn", anh Hải bộc bạch.

Chị Hòa - nhân viên kế toán của một công ty in tại Hà Nội, lại rưng rưng nhớ về người cha đã quá cố của mình và những đêm rước đèn đón trăng.

Ở quê chị, đêm trung thu, trẻ con tấp nập kéo nhau đi rước đèn, bắt đầu từ một nhóm nhỏ ở đầu làng, rồi kéo đi dọc khắp làng, đến cửa nhà ai thì trẻ con nhà đó ra nhập hội luôn. "Tiếng trống rộn ràng, ánh đèn lấp lóa, điểm thêm những đốm sáng xanh của hạt bưởi cháy, rồi tiếng hát hò vang lên… Mình không thể quên những đêm như thế", chị Hòa xúc động kể.

Chị cho biết, bố chị rất khéo tay, cứ đầu tháng 8 là ông tự tay chẻ lạt rồi đan cho mấy anh em chị một chiếc lồng đèn thật to. "Ngày ấy, mình tự hào lắm, mỗi lần đi rước đèn toàn được đi đầu vì có đèn lồng to nhất, dù có khi không được đẹp bằng các bạn khác", chị Hòa nói.

"Bố mình mất khi mình còn chưa kịp ra trường đi làm để mua về cho bố một chiếc bánh trung thu làm quà, và mình cũng không còn cơ hội vòi bố làm một chiếc đèn thật to cho các con của mình - như ao ước hồi bé", chị bùi ngùi.

Hiện tại, chị Hòa đã có hai đứa con và gần trung thu năm nào, chị cũng cùng chồng và các con đi mua giấy màu, hay kiếm các bình, lọ trong nhà để trang trí thành lồng đèn… rồi hôm rằm tổ chức cho các con cùng bọn trẻ trong xóm rước đèn, rồi phá cỗ hoa quả và chơi trò chơi.

"Những buổi tối trung thu phá cỗ, rước đèn là kỷ niệm đẹp nhất trong tuổi thơ của mình và mình luôn muốn các con được hưởng những đêm rằm thật ý nghĩa, vui vẻ, chứ không chỉ là có đồ chơi đẹp hay ăn bánh ngon. Mình muốn các con khi trưởng thành, mỗi lần nhớ về trung thu vẫn thấy hạnh phúc và tự hào, chứ không phải là cảm giác nhàn nhạt như mọi ngày", chị Hòa chia sẻ.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)