Vụ cưỡng bức ở nhà vệ sinh
Tám năm sau khi một kẻ giết người hàng loạt thú nhận là thủ phạm trong vụ án khiến con trai họ bị tử hình, đôi vợ chồng già ở Khu tự trị Nội Mông vẫn mòn mỏi đi từ cửa quan này sang cửa quan khác để đưa đơn kêu oan.
Tối mùng 9/4/1996, tại Nhà máy dệt len số 1 Hohhot Khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) xảy ra một vụ cưỡng hiếp, giết người mà nạn nhân là một cô gái trẻ. Hôm đó, trên đường về sau giờ ăn tối, Hô Cách Cát Lắc Đồ, một thanh niên địa phương 19 tuổi nghe thấy tiếng kêu cứu đầy đau đớn của phụ nữ vọng ra từ nhà vệ sinh của Nhà máy dệt len số 1.
Vô cùng sợ hãi, Lắc Đồ chạy về nhà máy gọi thêm một đồng nghiệp đến nơi anh nghe thấy tiếng kêu. Nhưng họ đã đến muộn. Tại hiện trường, một cô gái trẻ, gần như không một mảnh vải che thân, nằm chết trên sàn nhà. Lắc Đồ chạy đi báo công an, còn người bạn bỏ về một mình. Đêm đó, cả hai được triệu tập đến đồn công an địa phương để lấy lời khai.
Hai ngày sau đó, Hô Cách Cát Lắc Đồ bất ngờ bị buộc tội cưỡng hiếp, giết người. Ngày 23/5, chàng thanh niên bị đưa ra xét xử và đến ngày 5/6 thì bị khép vào tội chết. Chỉ 5 ngày sau đó, anh bị đưa ra pháp trường.
Vụ án được khép lại nhanh đến mức khó tưởng tượng. Từ lúc phát hiện nạn nhân, sau cả quá trình điều tra, đến tận lúc “nghi phạm” bị xử tử chỉ vẻn vẹn có 62 ngày. Cha mẹ của Hô Cách Cát Lắc Đồ còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã mất con.
Lời kêu oan ngày thứ Tư
Gần 10 năm sau đó, tháng 10/2005, tại thành phố Hohhot xảy ra một loạt các vụ án “cưỡng hiếp, giết người” gây chấn động. Cảnh sát đã bắt một nghi phạm tên là Triệu Chí Hồng. Trong quá trình thẩm tra, tên này khai đã cưỡng hiếp và giết 10 phụ nữ, trong đó có một nạn nhân bị hại ở khu vệ sinh công cộng của Nhà máy dệt len số 1 Hohhot vào tháng 4/1996.
Cái chết tức tưởi của chàng trai trẻ Hô Cách Cát Lắc Đồ nhiều năm trước bỗng trở thành tâm điểm trên báo chí Trung Quốc. Cha mẹ của anh, lúc đó đều đã trên dưới 60, ốm đau, suy sụp sau cái chết của con trai, đã gửi đơn đi khắp các nơi để xin mở lại hồ sơ vụ án. Thứ Tư tuần nào họ cũng đến trước Tòa án nhân dân tối cao Khu tự trị Nội Mông để kêu oan.
Người thân của Hô Cách Cát Lắc Đồ quỳ ngoài đường kêu oan cho anh
Nhưng cho đến nay, phía cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có bất cứ tuyên bố chính thức nào. Lời nhận tội của Triệu Chí Hồng về vụ án mạng ở Nhà máy dệt số 1 vẫn không được chấp nhận và tên này vẫn ngồi chờ phán quyết.
Cha của Hô Cách Cát Lắc Đồ nói trong nước mắt “Họ nói họ tội nghiệp con trai tôi, rằng cái chết của nó là oan uổng. Nhưng họ không cho tôi chút hy vọng nào.”
Cái tên Hô Cách Cát Lắc Đồ trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là “may mắn, gặp nhiều hạnh phúc”. Cha mẹ chàng trai khi chọn tên này cho con đã gửi gắm vào đó cả sự yêu thương và lời chúc phúc của họ. Có nằm mơ, hai con người bất hạnh này cũng không bao giờ ngờ rằng, đúng vào năm con trai họ 19 tuổi, cái tuổi đẹp nhất đời người, điều con họ gặp lại không phải là sự “may mắn, hạnh phúc” mà là một cái chết tức tưởi và tiếng xấu của một kẻ cưỡng hiếp, giết người mà cậu phải mang theo xuống mồ.
Biết sai nhưng không sửa
Cảnh sát địa phương khẳng định Hô Cách Cát Lắc Đồ đã tự thú tội. Nhưng một bản ghi chép của kiểm sát viên mà báo Hoàn Cầu có được gần đây đã cho thấy sự thật ngược lại. Khi ra tòa, chàng trai đã cố rút lại lời khai mà anh đã phải nhận sau khi bị điều tra viên thẩm vấn liên tục bằng “các biện pháp nghiệp vụ” khủng khiếp. Nhưng lời kêu oan của cậu đã không được cứu xét.
Trong một bài trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã năm 2006, một chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao địa phương ở Khu tự trị Nội Mông, người đã tham dự 1 trong 7 phiên xem xét lại vụ án của Hô Cách Cát Lắc Đồ thừa nhận đã có sai sót trong quá trình thụ lý ban đầu. “Chúng tôi đi đến kết luận rằng bằng chứng dùng để khép nghi phạm vào án tử hình là không thỏa đáng”. Nhưng đây không phải kết luận chính thức về vụ việc.
Song Jihu, luật sư thuộc hãng luật Zhongji có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định rằng sở dĩ xảy ra những vụ án như Hô Cách Cát Lắc Đồ là do một số điều tra viên và quan tòa địa phương đã đánh đổi sự công bằng lấy thành tích phá án nhanh. Họ muốn giải quyết được càng nhiều vụ càng tốt. “Họ có thể dùng nhiều biện pháp ép người bị tình nghi phải nhận tội. Trong nhiều trường hợp, nhất là trước khi Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc quyết định xem xét lại toàn bộ các bản án tử hình vào năm 2007 thì ngay cả mức án cao nhất này cũng có thể được khép bừa.”
Trên thực tế, nhiều nhân vật chịu trách nhiệm chính trong việc điều tra, xét xử Hô Cách Cát Lắc Đồ sau đó đã được thưởng huân chương, được đề bạt lên các vị trí cao hơn, như trưởng Công an quận khi đó nay đã ở trong ban lãnh đạo Công an thành phố Hohhot. “Là dân đen thấp cổ bé họng, đi đến đâu chúng tôi cũng bị ngăn trở”, cha của Hô Cách Cát Lắc Đồ nói đầy uất ức.
Ngôi mộ đơn sơ của chàng thanh niên có cái tên may mắn
Ngay cả khi phóng viên Hoàn Cầu, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều lần gọi điện về Tòa án Nhân dân Tối cao Khu tự trị Nội Mông để lấy thông tin về vụ việc thì cũng chỉ được trả lời duy nhất một lần. Và mọi yêu cầu bình luận đều bị từ chối.
Giáo sư Yi Yanyou (Đại học Luật Thanh Hoa, Trung Quốc) tỏ ra bi quan về khả năng vụ án được xét xử lại “Tôi không tin là các quan tòa địa phương đủ dũng cảm để sửa sai. Cục Công an ở đó rất nhiều quyền lực, còn các kiểm sát viên, thẩm phán thì chỉ là hữu danh vô thực, vì họ không có quyền tư pháp độc lập”.
Đây là một trong vài án tử hình oan gây chấn động dư luận Trung Quốc những năm gần đây. Vụ việc có nhiều tình tiết tương tự nhưnghi án tử hình oan Nhiếp Thụ Bân mà Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đang xem xét. Chàng thanh niên Nhiếp Thụ Bân bị tử hình năm 1995 với tội danh cưỡng hiếp, giết người. Nhưng 10 năm sau đó, một kẻ phạm tội khi bị bắt đã thú nhận chính y mới là thủ phạm gây ra vụ việc khiến Nhiếp bị xử bắn.
Trong số vài vụ án tử hình được kêu oan gần đây ở Trung Quốc, mới có vụ án Đằng Hưng Thiện ở Hồ Nam, tử tù được chính thức minh oan, và thân nhân được bồi thường.