Trước nguy cơ Hà Nội đang bùng phát dịch sởi như hiện nay thì teen nhà ta cũng nên biết cách phòng bệnh riêng cho mình, bởi vì nếu chủ quan teen sẽ là nạn nhân của dịch bệnh nguy hiểm không thể coi thường này.
Để phòng bệnh hữu hiệu cho mình và người thân trong gia đình, ngay từ lúc này vẫn chưa muộn nếu teen biết cách phòng căn bệnh rất dễ có xu hướng xảy ra thành dịch và là nguyên nhân của nhiều trường hợp tử vong, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.
Nhưng tớ chưa hiểu, sởi hình thành do đâu?
Teen biết không, tác nhân gây nên bệnh sởi đáng ghét thường có nguy cơ bùng phát lên thành dịch khi thời tiết ẩm thấp là do virus có tên khoa học thuộc nhóm RNA paramyxovirus gây nên. Những virus này xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp trên, vào máu, sinh sản ở hệ lưới mô bào. “Kẻ hủy diệt” và lây lan này khi ủ bệnh xong vẫn không nhanh chóng chết đi mà nó còn tồn tại trong không khí ít nhất 34 giờ đấy.
Vì thế, có thể gọi đây là một bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan đến “chóng mặt”. Theo con số thống kê thì có đến 90% những người tiếp xúc trực tiếp với sởi thì sẽ là “nạn nhân” của căn bệnh này. Loại virus sởi, luôn tác nghiệp ở mọi nơi mọi lúc. Này nhé, chúng có thể theo nước bọt người bệnh bắn ra ngoài truyền trực tiếp cho người khác trong phạm vi bán kính 1,2 m mỗi khi ho hắng, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bên cạnh đó, chúng còn bám theo những giọt nhỏ li ti lơ lửng trong không khí, sau đó xâm nhập niêm mạc đường hô của người khác. Nói chung, loại virus này đeo bám rất “dai dẳng”, nếu như bạn sơ ý không phòng tránh nó.
Dấu hiệu nhận biết bị sởi ghé thăm “dư lào”?
Nếu một chiều đi học về, bạn thấy trám mình ấm ấm và có biểu hiện của sốt cao thì có thể bệnh sởi phiền toái kia đã ghé thăm bạn rồi đấy.
Những ngày sau đó, ngoài việc phải khổ sở đối phó với những triệu chứng mang “đậm chất” của “cúm giai đoạn cuối” như: nước mũi chảy dòng dòng, cơn ho tới tấp, mắt đỏ ngầu, chảy nước mắt thì bạn phải vô cùng cẩn thận nhé, vì đúng là bác sởi đang thật sự ghé thăm bạn rồi đấy. Đặc biệt, bạn sẽ không còn gì phải nghi ngờ nữa nếu như trong miệng bạn (bên trong má) đột nhiên xuất hiện những nốt trắng nhỏ mà khoa học gọi nó bằng một cái tên rất chi là style - nốt Koplick.
Chưa hết đâu nhé, bạn sẽ còn phải “rên la”, “kêu trời” nữa khi một vài ngày sau đó, ở mặt, cổ và chân tay bạn nổi chi chít những nốt ban đỏ hình tròn, hình bầu dục rất chi là ngứa ngáy và khó chịu nữa cơ. Lại thêm thân nhiệt tăng khiến bạn sốt cao sình sịch ấy. Trong khi chân tay bạn đột nhiên mệt mỏi rã rời, đau nhức toàn thân thì bệnh ho kia lại giở chứng, càng “khụ khụ” nặng hơn nữa chứ. Cứ gọi là khủng khiếp liên hoàn!
Kinh dị và hãi hùng hơn nữa là khi “hoành hành” xong, vài ngày sau đó các vết sởi sẽ “bay đi” những để lại một bãi chiến trường toàn các vết thâm và da bong tróc vằn như da hổ ấy. Nhìn bãi chiến trường ấy thôi là bạn đã có thể phát khóc lên được và căm thù sởi đến tận “xương tủy”. Nhưng chả còn cách nào khác, bạn chỉ có thể “đợi chờ và đợi chờ” bởi phải một tuần sau thì da bạn mới hết tình trạng “chán đời” như thế cơ.
Hu hu, vậy phải phòng ngừa và điều trị “thía nào”?
Hic, phải thông báo một tin có thể làm bạn thất vọng là, hiện nay cũng giống như một số bệnh khác, điều trị sởi chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị biến chứng của bệnh sởi mà thôi. Phần lớn, bệnh sởi khá lành tính, bạn chỉ cần chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, khi có các biến chứng bội nhiễm vi khuẩn, viêm phổi hoặc các biến chứng thần kinh như viêm não, rối loạn ý thức biểu hiện các dấu thần kinh khu trú thì phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để điều trị, bạn nhé.
Sau đây, là 5 bước giúp bạn phòng tránh căn bệnh truyền nhiễm đáng ghét này:
Trước hết, bạn xem bắp tay trái của mình đã “sở hữu” một vết sẹo tròn chưa? Vết sẹo này chính là “dấu vết” của lần tiên phòng sởi đầu tiên của bạn khi còn sơ sinh đấy. Nói chung, bạn cần hỏi ba mẹ mình đã tiêm phòng sởi đủ 2 mũi cho bạn chưa? Và nếu chưa tiêm đủ 2 mũi phòng sởi, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện, trung tâm y tế để tiêm mũi nhắc lại phòng nguy cơ mắc bệnh.
Thứ hai, bệnh sởi lây truyền rất nhanh vì thế để không mắc bệnh thì các teen tuyệt đối đừng mải vui mà la cà đến những nơi có nguy cơ dịch sởi hoành hành. Như vậy, bọn virus sởi sẽ không có cơ hội xâm nhập vào cơ thể bạn.
Thứ ba, tăng cường ăn uống đủ chất dinh dưỡng với những thực phẩm giàu protid, caroten, vitamin và uống nhiều nước hoa quả tươi để tăng sức đề kháng và khả năng tự phục hồi cho cơ thể.
Thứ tư, chú ý vệ sinh da dẻ, đặc biệt là răng miệng và mắt mũi mỗi ngày, tuyệt đối tránh để nhiễm khuẩn hoặc lở loét da. Bạn có thể rửa mặt, lau mắt, xông mũi bằng nước ấm pha muối hoặc xúc miệng bằng nước muối pha loãng, nhỏ thuốc nhỏ mắt nhỏ mũi.
Thứ năm, nếu như bạn sốt cao thì nên uống paracetamol hoặc sử dụng các biện pháp vật lý để hạ nhiệt và uống nhiều nước. Tránh sử dụng aspirin vì sợ gây nên hội chứng Reyes. Giảm ho và tránh sử dụng corticoid vì dễ gây nên ban xuất huyết và không dùng kháng sinh nếu không có chỉ định của bác sỹ. Khi bị sởi, bạn cũng đừng tiếc bài học mà “lê thân” đến lớp để rồi lại lây bệnh cho các bạn khác ở lớp bạn. Hãy xin phép nghỉ học và “ngoan ngoãn” ở nhà điều trị cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn nhá.