Tin tức - pháp luật 2008-09-16 14:17:39

365 ngày kinh hoàng trên giường ngủ


Ảnh minh hoạ. Đó là những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, mà những người phụ nữ phải âm thầm chịu đựng hàng đêm trên giường ngủ. Giữa đêm, điện thoại di động của bác sỹ Nguyễn Ngọc Quyết (Trung tâm chăm sóc sức khỏe miễn phí cho phụ nữ bị bạo hành) đổ chuông.

BS Quyết tức tốc đến Bệnh viện Đức Giang (Gia Lâm, Hà Nội) giúp người phụ nữ bị bạo hành nhập viện. Người phụ nữ trung tuổi được người nhà chuyển đến viện trong tình trạng rạn khung xương chậu, rong huyết…

Một tháng “yêu” 30 ngày!

Chị tên là Phan Thị T, đến từ một tỉnh ngoại thành Hà Nội, xấp xỉ tuổi 40. Nước mắt dàn dụa, kể với bác sỹ Quyết về những ngày tháng nhẫn nhịn trong đau đớn của mình, chị cho biết: đêm nào chồng chị cũng đòi yêu, tháng có 30 ngày là 30 ngày “yêu” chồng không nghỉ, kể cả 5 ngày “đến kì” cũng chẳng được tha. Nếu chị từ chối, chồng sẽ đánh, hoặc giữa đêm mở cửa dọa “sẽ đi với cave”. Để yên cửa yên nhà, chị T đành cắn răng chịu đựng. Thậm chí có lúc còn phải giả vờ hạnh phúc để giữ thể diện cho chồng.

Những ngày cơ thể khỏe khoắn, tinh thần vui vẻ thì còn đỡ, hôm nào lo lắng vì việc kinh doanh hoặc ức chế chuyện con cái, thì nhiệm vụ phải “yêu” chồng là một cực hình. Chị bảo mệt nhưng chồng chị vẫn không tha. Chị buồn ngủ đến díp mắt chồng vẫn không nằm yên. Chị T chỉ ước ao là được ngủ một đêm được trọn vẹn, nhưng chồng chị đã không cho chị làm được điều đó.

Tổng hợp số liệu từ đường dây tư vấn về bạo lực gia đình 7301919, cho thấy: số ca tư vấn về bạo hành tình dục chiếm tỷ lệ khá lớn trên tổng số ca tư vấn của đường dây.

Năm 2003, có 1.232 ca tư vấn về bạo hành tình dục (ca)/36.750 tổng số ca tư vấn (chiếm 3,4%); năm 2004, có 1.032 ca/47.426 ca (chiếm 2,2%); năm 2005, có 976/57.110 ca (chiếm 1,7%); năm 2006 có 1.053/48.134 ca (chiếm 2,2%).

(Nguồn Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, gia đình phụ nữ và vị thành niên)
Nhưng càng chịu đựng, chồng chị càng đòi hỏi nhiều. Có những đêm anh ấy vần vò chị suốt cho tới tận sáng. Căng thẳng vì mất ngủ, mệt mỏi vì phải “cố đấm ăn xôi”, đôi lúc chị gần như kiệt sức. Có những hôm chị đành bỏ việc kinh doanh để ở nhà ngủ cho lại sức.

Những lúc đó, chồng chị rất tử tế: nấu cháo, mua hoa quả về chăm chút vợ từng tý một. Dù phải đau đớn hàng đêm, nhưng vì biết chồng quá yêu mình nên chị T đành cố chịu đựng. Cho đến ngày chị bị rong huyết, đau đớn khắp vùng mông và bụng dưới mới tìm đến Bệnh viện Đức Giang.

“Tức nước thì vỡ bờ. Khả năng chịu đựng của mỗi người đều chỉ đến một giới hạn nào đó sẽ vỡ, không thể ngăn lại được. Trường hợp của chị T là một ví dụ”, bác sỹ Quyết nói với chúng tôi.

Theo bác sỹ Quyết, đức hy sinh, sự nhẫn nhịn của phụ nữ là một phẩm chất đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng nếu họ hy sinh không đúng chỗ, nhẫn nhịn không đúng cách thì vô hình trung họ đã tự khoác lên vai mình gánh nặng.

Chị Phan Thị T vì muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình nên đã nhẫn nhịn một cách thái quá, khiến sự hy sinh của mình không mang lại điều gì tốt đẹp. Nó như một thứ ung nhọt, bao bọc nó kỹ đến mấy cũng có ngày nó vỡ, nỗi đau và những ảnh hưởng của nó càng nặng nề hơn.

Khổ vì giàu

BS Quyết cho biết: vợ chồng chị T cũng đã từng có thời gian sống với nhau êm đềm hạnh phúc. Trước đây chồng chị T là một người đàn ông hoàn toàn khác. Ngày đó vợ chồng chị vẫn còn nghèo. Chị theo xe lên Lạng Sơn, Móng Cái lấy hàng về bán ở chợ. Chồng chị ở nhà làm ruộng và chăm sóc con cái.

Sau đó, nhờ buôn bán phát đạt, họ sắm được ô tô. Sợ mất vợ, chồng chị T đã học lái xe và cùng vợ đi lấy hàng. Những ngày ở biên giới, những câu chuyện “giường chiếu” được phát ngôn một cách thoải mái của những người đàn ông bên cạnh đã lọt vào tai anh.

Ban đầu là tò mò, sau đó anh đâm nghiện. Từ chỗ nghiện nghe, anh chuyển sang nghiện thực hành. Cũng may là anh chỉ “nghiện vợ”, chứ không nghiện ai khác. Bởi chị cho rằng, vì chồng yêu mình nên cố gồng lên chịu đựng, nhưng chị đã không biết rằng, đó chính là cách tự hủy hoại mình và chôn vùi hạnh phúc gia đình.

Theo BS Nguyễn Ngọc Quyết, những phụ nữ bị bạo hành trên giường tìm đến Trung tâm chỉ khi đã xảy ra những vấn đề trầm trọng về sức khỏe cũng như tinh thần. Nhiều người đến nhập viện trong tình trạng bị ngất, không cầm được máu, chỉ cần chậm một vài phút nữa là có thể tử vong.

Bác sỹ Quyết dẫn chứng, trường hợp của một cô gái ở Bắc Ninh vào mùa đông năm ngoái là một ví dụ. Cô bị xé nát quần áo, dội nước cho lạnh tím người, sau đó… hành sự. Khi cô được đưa đến viện thì tình trạng máu chảy không thể cầm lại được. Ông Quyết cho biết: hiện kẻ bạo hành cô gái đó đã bị bắt.

Qua khảo sát của những người làm công tác tư vấn thì trước khi xảy ra bạo hành, số người hy vọng sẽ được ứng cứu là 42,05%; tìm cách thoát thân là 25,61%; 15,92% sẽ có hành động tự vệ; 16,43% chấp nhận sống chung với bạo lực gia đình.

Nhưng khi bạo hành xảy ra, những người phụ nữ muốn kêu cứu là 50%; muốn bỏ chạy là 19,08%; có hành động tự vệ chỉ có 6,94%, đáng ngạc nhiên là những người cam chịu bạo lực lại ở mức 23,98%.

Chuyện bị chồng đánh đập, chửi bới hàng ngày đã là một vấn đề của xã hội. Nhưng phần lớn những người bị bạo hành gia đình chỉ đến nhờ tư vấn một lần, chỉ có 5 - 10% quay lại lần hai, trong số những người quay lại thì có đến 70 - 80% yêu cầu thay đổi địa điểm tư vấn vì nhiều lý do khách nhau.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)