Ẩm ướt, nặng mùi và tối tăm là những ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến nơi đây. Khu vệ sinh dường như phải thắp điện cả ngày vì không gian bên trong rất tối
.
Mỗi khu nhà có 3 tầng, mỗi tầng có 12 phòng, mỗi phòng có 12 sinh viên, mà chỉ có 4 nhà vệ sinh cho mỗi tầng. Như vậy, trung bình cứ 36 sinh viên phải dùng chung một nhà vệ sinh. Cảnh tượng đó vẫn diễn ra trong suốt bao nhiêu năm nay ở những khu ký túc xá này.
Tất cả mọi sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh cá nhân của các bạn sinh viên đều diễn ra trong một nhà vệ sinh
Mọi sinh hoạt cá nhân đều được tiến hành ở đây. Nền nhà không lúc nào khô ráo mà luôn trong tình trạng ướt át. Nước sinh hoạt dùng xong được đổ ngay ra nền nhà. Đặc biệt, mùi rất khó chịu. Ngoài vệ sinh cá nhân thì đồ ăn thức uống thừa cũng được thải ra ở ngay nhà vệ sinh. Tuy các bạn sinh viên cũng có ý thức nhưng không thể hạn chế được những mùi khó chịu.
36 người dùng chung 2 phòng tắm, hai phòng vệ sinh, một khu vệ sinh không che chắn, một bể nước và một khu dành cho vệ sinh cá nhân hàng ngày. Mọi hoạt động tắm giặt, giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân, đánh răng, rủa mặt, rửa bát đũa đều được thực hiện ở đây. Muốn lên được khu vệ sinh này phải bước qua hơn chục bậc thang mới đến được. Những bậc thang này thường rất trơn, nếu không cẩn thận có thể bị trượt ngã.
Sự ẩm ướt của khu vệ sinh khiến cho khuôn viên hành lang ký túc xá không được khô ráo. Vào những ngày mưa, tình trạng đó càng trở nên trầm trọng hơn.
Lợi ( K53 Sư phạm Kỹ thuật) đang giặt đồ phàn nàn: “Đôi khi em thấy rất bất tiện. Đánh răng, rửa mặt, rửa bát cũng thấy không được sạch sẽ. Đấy là chưa nói đến tình trạng phải xếp hàng chờ đến lượt mình. Có hôm em chờ đợi mãi mà không đến lượt tắm mặc dù đã chuẩn bị từ 30 phút trước”.
Mai (K52 CNB) cũng nói thêm: “Nhất là vào mùa hè, nhu cầu tắm giặt cao, chờ đợi là chuyện đương nhiên. Phòng em còn không dám mở cửa sổ vì ngay bên ngoài là hệ thống nước thải rất hôi và khó chịu. Chỉ cần gió thổi nhẹ là mọi người trong phòng phải đeo khẩu trang hết. Bọn em sống lâu cũng thành quen, giờ thì không còn cảm thấy ngại như trước kia nữa”.
Các bạn sinh viên chỉ còn cách khắc phục và chịu khó vận động, chờ đợi hàng ngày để mọi sinh hoạt diễn ra như bình thường.
Một số cánh cửa đã quá cũ kỹ, bong ra khỏi bản lề, dựa mon men vào tường. Những cánh cửa này sẽ được dịch chuyển mỗi khi sinh viên thực hiện công tác tắm giặt.
Theo ông Bùi Văn Gấm (Đại diện Ban quản lý ký túc xá nhà A2) thì khu ký túc xá này được xây dựng từ giữa thập niên 50 của thế kỷ trước. Đến nay, hơn 50 năm, hầu như cơ sở vật chất của các khu này đều xuống cấp. Hệ thống nước nhiều khi bị trục trặc. Khu nhà A2, A3 thì tình trạng đó càng rõ ràng hơn.
Ông Gấm nói: “Mỗi khu ký túc xá có một nhân viên vệ sinh thường xuyên quét dọn hàng ngày. Ban quản lý cũng thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở nhưng quan trọng vẫn là ý thức sinh viên”.
Như vậy, mỗi cô lao công phải oằn mình lên để gánh vác công việc. Một cô phải chịu trách nhiệm với 1 cái nhà vệ sinh, tuy vậy tình trạng ẩm ướt và nặng mùi cũng không cải thiện là mấy. Nước vẫn tràn lênh láng ra nền nhà, hành lang ký túc xá trong suốt cả ngày.
“Hiện dự án xây mới khu nhà A3 sắp được triển khai, vào khoảng cuối năm nay. Hiện giờ khu nhà A1 đang được nâng cấp, đặc biệt khu vệ sinh sẽ được sửa sang cho phù hợp, thuận tiện hơn và đáp ứng nhu cầu sinh viên. Sắp tới Khu nhà A2 cũng được sửa chữa và nâng cấp”. Đó là lời khẳng định của ông Gấm về dự án tu sửa ký túc xá cho sinh viên đại học Nông nghiệp.