Khổ luyện
Nguyễn Thị Thanh Thủy (26 tuổi), Nguyễn Ly Hương (25 tuổi) hiện đã gia nhập Đoàn bay 919 thuộc tổ bay ATR 72. Những ngày cận Tết, lịch bay tập của hai cô dày kín, Hương và Thủy đang thực hiện khóa bay căn bản với 12 lần cất, hạ cánh để trở thành phi công chính thức của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.
Gặp Thủy, cô nói ngay: “Tụi mình có đúng 1 giờ đồng hồ để tiếp chuyện với các anh vì phải chuẩn bị cho chuyến bay huấn luyện”. Rất nhanh nhẹn, Thủy giới thiệu mình là con gái Hà Nội chính gốc, ngay từ nhỏ đã có ước mơ sẽ được làm việc trên bầu trời. Tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, Thủy đi làm cho một hãng xuất nhập khẩu rượu nhưng trong lòng vẫn đau đáu một ngày nào đó sẽ vào làm việc trong ngành hàng không. Biết được thông tin ngành hàng không khi tuyển nhân viên đều chọn những người biết tiếng Anh, thế nên ban ngày đi làm, tối về Thủy chọn một trung tâm để học ngoại ngữ. Và rồi những gì mong đợi đã đến, Thủy ghi tên thi tuyển phi công, nhưng trong lòng vẫn rất hồi hộp.
Để trở thành thí sinh của Trung tâm bay, cả Thủy lẫn Hương phải trải qua 4 vòng thi hết sức căng thẳng vốn không đùa với phái yếu. Ở vòng sơ tuyển người ta cho quay vòng tròn kiểm tra sơ lược sức khỏe. Vòng hai phỏng vấn bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Vòng ba là một kỳ sát hạch thật khó khăn đó là khám sức khỏe toàn diện… Mọi chuyện hoàn tất khi thi xong hai môn cuối cùng là Toán, Lý.
Với Nguyễn Ly Hương (quê ở Lào Cai), cô trúng tuyển khóa học làm phi công khi vừa tốt nghiệp trường ĐH Giao thông vận tải. Con đường trở thành phi công mới chỉ bắt đầu bởi Trung tâm huấn luyện bay chỉ là nơi học tiếng Anh chuyên ngành, học các kỹ thuật bay, mô hình máy bay… “Ở xa gia đình nên mình chỉ tập trung vào mỗi việc học, sáng học ngoại ngữ, chiều học lý thuyết sau đó là tập thể lực. Cũng nhờ các huấn luyện viên, nên khi các chuyên gia huấn luyện bay của Pháp đến tuyển thì tụi mình đảm bảo được vốn tiếng Anh cũng như thể lực và đã trúng tuyển vào Học viện Hàng không Esma ở Montpellier (Pháp). Trong số 80 người tham gia đợt phỏng vấn đi huấn luyện tại Pháp chỉ có 20 người đỗ và mình cùng chị Thanh Thủy là hai nữ trong số đó ” - Ly Hương kể lại.
Và phía trước là bầu trời
“Đã là phi công thì không phân biệt nam nữ. Tất cả mọi người đều phải tuân thủ những quy định của ngành hàng không nên chúng tôi cũng chẳng có ưu tiên gì cả. Lái máy bay cũng là một nghề nhưng nó đòi hỏi người phi công phải có các yếu tố: đức-trí-thể-mỹ. Với chúng tôi, việc điều khiển máy bay trên cao không đến nỗi khó khăn như mọi người tưởng vì đã có những thiết bị hỗ trợ. Vấn đề là mình có đủ sức khỏe, sự minh mẫn để giải quyết những tình huống xảy ra hay không” - Hương tâm sự.
Nguyễn Thị Thanh Thủy
18 tháng thực hành bay ở Pháp là khoảng thời gian thật đẹp trong cuộc đời của Hương – Thủy. “Mình học rất thoải mái, học lý thuyết đến đâu thì thực hành đến đấy. Máy bay chúng tôi thực hành là chiếc Diamond 40 có 4 chỗ ngồi. Hằâng ngày phải kiểm tra kỹ thuật, động cơ, thời tiết và bay trong phạm vi cho phép”, Hương cho biết. Trong kỹ thuật bay, tài năng của phi công thể hiện ở khâu kỹ thuật tiếp đất. Thủy kể: “Sau hơn 2 tháng sang Pháp, lần đầu tiên lái chiếc DA40, có thầy ngồi kế bên, tôi tự tin bước vào cabin điều khiển. Sau khi bay một vòng theo quy định, tôi tiếp đất rất nhẹ nhàng và được thầy khen “very good” thì trong lòng hết sức sung sướng, cảm giác vượt qua chính mình. Và tôi đã điện thoại về cho bố mẹ chia sẻ niềm vui đó”.
Để trở thành phi công, cho dù là nam hay nữ đều phải thực hiện đủ số giờ bay, các quy định của ngành hàng không. Thủy cho biết: “Những chuyến bay “solo” (một mình với máy bay) bằng máy bay một động cơ, bay qua những rặng núi, rất hạn chế tầm nhìn, là rất khó bởi vừa tập trung quan sát bằng mắt thường vừa xem màn hình để có thể tự xử lý những tình huống. Nếu hỏng động cơ thì phải nhanh chóng quan sát tìm chỗ bằng phẳng để đáp xuống và những trường hợp như thế tạo luôn cho mình những kinh nghiệm rất đáng quý trong việc thể hiện được khả năng giải quyết các vấn đề rắc rối”.
Sau nhiều giờ bay “solo”, Hương và Thủy phải bay thực hiện bài thi: 300 dặm bay trong vòng 3 tiếng đồng hồ trên không, hạ cánh ở hai sân bay khác nhau để lấy chứng chỉ bay thương mại. Sau 155 giờ bay luyện tại Montpellier, Hương và Thủy được chuyển đến Toulouse học thêm 60 giờ bay để trở thành phi công thực thụ.
Sau khi thực hiện xong khóa bay căn bản, các cô sẽ cùng với cơ trưởng thực hiện những chuyến bay nội địa có chở hành khách để rồi sau đó sẽ trở thành phi công thực thụ. Tâm sự về nghề cả hai cùng cho rằng: “Là phi công cũng không có gì ghê gớm cả, cứ ước mơ, kiên trì và luôn tin rằng mình làm được thì sẽ có ngày ước mơ thành sự thật”.