Teen 24h 2009-05-19 06:00:05

19-5: Đường mòn vĩ đại


Ngày sinh nhật Bác mời bạn cùng hướng về "đường mòn dài nhất hành tinh"…




Không ai tính nổi trên trái đất này có bao nhiêu con đường, tổng chiều dài của những con đường do người “đi mà thành” hoặc người “mở mà nên” là hàng trăm triệu km hay hơn nữa; nhưng chắc chắn rằng, con đường “mòn” dài nhất trần gian là Đường Trường Sơn hay còn gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh”.

Chữ “dài” ở đây nhiều nghĩa lắm. Trước hết, nó dài bởi vì trên tổng khoảng cách chỉ 1.500 km - từ cột mốc số 0 ở thị trấn Lạt, Tân Kỳ, Nghệ An đến Bù Gia Mập, Tây Ninh; những chiến sĩ Trường Sơn đã làm thành hàng chục con đường với chiều dài hơn 20.000 km!

2 vạn cây số đó có khi đi ở bên Đông, lại có khi chạy bên Tây Trường Sơn với chằng chịt đường ngang, lối tắt, đường kín, đường hở. Có đến hơn 3.000 km Đường Trường Sơn vươn tỏa dưới tán lá của rừng già để đi giữa ban ngày mà kẻ địch không biết, không hay. Nó dài bởi vì bên cạnh đường bộ còn có hàng ngàn km đường mòn trên biển.



Đường Trường Sơn năm xưa…



Có lẽ, chỉ riêng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta mới tạo được một “con đường mòn” trên biển mà thôi. Đó là chưa kể “đường đi” của 1.400 km đường ống dẫn dầu với kỳ tích “một đường ống có thể vận chuyển nhiều loại dầu”…

Muốn đi hết Đường Trường Sơn trong bom rơi, đạn nổ; khói lửa ngút trời, hy sinh và mất mát…, thời gian để “đi và đến” là 5 tháng trời ròng rã. 150 ngày để vượt qua 1.500 km; có nghĩa là mỗi ngày chỉ “đi” được 10 km, không hơn.

Sự ác liệt bị đẩy đến mức tận cùng, gian nguy và thử thách không thể nào đo nổi. Nói như thế để thấy rằng con đường huyền thoại đó đã nhân lên gấp bội sự bền bỉ và sức chịu đựng phi thường của con người. Có thể đi bằng “xe không kính” để “Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng” nhưng cũng gần như tức thì “Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim” (Phạm Tiến Duật).


Những người lính “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” còn “đi” bằng những… “chiếc gậy Trường Sơn”. Đi như thế, lịch sử nhân loại chưa từng được chứng kiến, lúc nào. Có thể tin rằng nếu nối chiều dài của chiếc gậy Trường Sơn, trung bình là 1m, thì chiều dài của gậy nhân với 10 triệu người đã đi (đã đến và đã hy sinh trên đường), là một con số khổng lồ: dài đến 10.000 km.



Đường Hồ Chí Minh, huyết mạch giao thông của ngày hôm nay


Đường Trường Sơn phải chịu đựng sự tấn công của 733.000 lượt chiếc máy bay của không quân Mỹ. Quãng đường mà người Mỹ bỏ ra để ngăn chặn con đường đó dài hơn cả con đường đến hàng triệu lần. Đó là chưa kể 4 triệu tấn bom đạn được trút xuống Đường Trường Sơn. Nếu “xếp hàng” tất cả số lượng đạn bom ấy - trung bình 1 km phải chịu 30 tấn sắt thép - chắc sẽ dài hơn nhiều lắm so với số đá, sỏi đã làm nên mặt đường(!).

Trong cái nghĩa mênh mông, khắc khoải của chữ dài, cần phải khẳng định rằng cả dân tộc đã “đi qua” con đường chiến thắng ấy mất đúng 16 năm ròng rã (19.5.1959 – 30.4.1975). Nỗi đau, mất mát và hy sinh của nó cũng kéo dài bất tận: hàng triệu nạn nhân của chất “diệt cỏ” (chất độc da cam vẫn còn đó); sự hy sinh anh dũng của 2 vạn người và hàng vạn người khác bị thương tích suốt đời là sự dài lâu đến bất tử của tri ân, tiếc thương, cảm phục từ mọi người dân nước Việt hôm nay…

Lịch sử loài người chưa từng biết đến một con đường kháng chiến đã băng qua, vượt trên một dải núi điệp trùng dài đến thế. Tổng chiều dài của đường biên giới chung của ba nước Đông Dương xung quanh con đường mòn này là một kỷ lục rất đáng được ghi vào biên niên sử của nhân loại…

50 năm đã đi qua kể từ khi Đoàn 559 hay Bộ đội Trường Sơn chính thức được thành lập; đây là lúc chúng ta có thể bình tĩnh hơn để nhớ lại và suy ngẫm. Sức mạnh và sự diệu kỳ của dân tộc Việt Nam - chỉ cần nhìn qua con đường huyền thoại ấy cũng đủ để thấm hiểu sâu sắc nhiều điều. Một dân tộc hàng ngàn năm không chịu khuất phục, không thể bị đồng hóa; hoàn toàn đủ khả năng để đứng vững trước bất kỳ thử thách, đe dọa nào!

Chợt một phút xao lòng: thời đó, bộ đội Trường Sơn đã từng vận chuyển người, lương thực, vũ khí dưới những tán lá “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” dài đến 3.140 km. Bất chấp chất độc da cam, bất chấp đạn bom, những người lính Trường Sơn vẫn bảo vệ được sự nguyên sơ của những cánh rừng già! Bây giờ, tại sao lại không?

Tri ân lịch sử vĩ đại của Bộ đội Trường Sơn, một trong những con đường “ngắn” nhất là hãy bảo vệ, giữ gìn sự vẹn nguyên của màu xanh mênh mông, vững bền và thiêng liêng ấy…




Nguồn: Thanh Niên

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)