Môn khác - thể thao cười 2011-11-26 02:38:16

10 ngôi sao 9X của thể thao Việt Nam


Họ là những ngôi sao tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có bước tiến thần kì ở SEA Games 26 và là niềm hy vọng vàng của thể thao Việt Nam…




1. Nguyễn Thị Ánh Viên (Bơi lội, 11/9/1996)

Mới chỉ tập bơi lội 3 năm và thực sự tập đỉnh cao một năm rưỡi nhưng nữ VĐV đoàn Quân đội này thăng tiến vù vù. Theo ông Đinh Việt Hùng - lãnh đạo đội bơi lội Việt Nam tại SEA Games 26, mức thăng tiến của Ánh Viên thuộc dạng hiếm trong làng bơi lội Việt Nam. Bước vào SEA Games 26, Nguyễn Thị Ánh Viên gây bất ngờ khi bỏ xa ĐKVĐ Natthanan Junkraja (Thái Lan) đến 5m trong 300m đầu tiên, nhưng cô bé vẫn mất HCV trong 100m cuối nội dung 400m hỗn hợp vì thiếu kinh nghiệm thi đấu. Tấm HCB 400m hỗn hợp mà Ánh Viên giành được cũng là tấm HCB đầu tiên của bơi lội nữ Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Sau đó, Ánh Viên còn có thêm 1 HCB ở nội dung 100m ngửa.

Ánh Viên có sải tay dài tới 1m98
Ánh Viên mới 15 tuổi nhưng đã cao 1m70. Đáng chú ý, tương tự ngôi sao của làng bơi thế giới Michael Phelps (Mỹ) có sải tay dài đến 2m02 và bàn chân to bè, Ánh Viên có sải tay dài đến 1m98, bàn chân to và có nhóm cơ suôn dài rất thích hợp với những VĐV bơi lội đỉnh cao. Hơn nữa, cô bé có độ nổi nước rất tốt mà bất kỳ HLV bơi lội nào khi nhìn thấy cũng phải thích thú.

Trước mắt, một kế hoạch huấn luyện kỹ càng đã được vạch ra. Ông Đinh Việt Hùng đã sang Mỹ bàn chuyện đào tạo những tay bơi trẻ Việt Nam (Ánh Viên và Quý Phước) với những người có trách nhiệm ở một CLB bơi lội ở Florida. Thậm chí, các VĐV cũng sẽ học văn hóa tại Mỹ. Nếu học tốt, có thành tích tốt, họ có thể vào các trường ĐH tại Mỹ.

2. Nguyễn Thị Mai Hưng (Cờ vua, 28/1/1994)

Mai Hưng còn trẻ, nhưng đã liên tiếp thành công trong nghiệp cờ. Nổi bật nhất chính là tấm HCV SEA Games 26 ở nội dung cờ tiêu chuẩn nữ mà cô gái quê Bắc Giang này đoạt được. Mai Hưng đến với cờ vua rất sớm, từ khi mới 7 tuổi, thông qua lớp chiêu sinh học viên cờ vua tại Bắc Giang. Trước đó 2 năm, Mai Hưng đã bắt đầu làm quen với cờ, nhưng lại là cờ tướng.

Nguyễn Thị Mai Hưng có phong cách chơi cờ chậm nhưng chắc

Năm 2010, Mai Hưng được đầu tư sang Hungary tập huấn, nhờ đó sức cờ của cô tăng lên rất nhiều. Kỳ thủ này từng đoạt nhiều thành tích quốc tế ở giải trẻ, nổi bật nhất là ngôi vô địch U.16 châu Á cùng á quân giải U.16 thế giới năm 2010. Luôn tự tin và không ngừng luyện tập, Mai Hưng hứa hẹn trở thành cánh chim đầu đàn cho cờ vua nữ VN như kỳ thủ số 1 tuyển nam Lê Quang Liêm đang làm được.

3. Hoàng Quý Phước (Bơi lội, 24/3/1993)

Quý Phước trở thành VĐV bơi lội đầu tiên của VN giành 2 HCV tại một kỳ SEA Games. Tuy thành tích 50 giây 79 của Phước ở cự ly 100m tự do chưa thể đạt chuẩn Olympic, nhưng với việc phá kỷ lục SEA Games 100m bướm trước đó, thì theo ông Đinh Việt Hùng, Phước sẽ nằm trong diện được Liên đoàn Bơi lội thế giới xét chuẩn đi Olympic London 2012.

Quý Phước là niềm hy vọng của thể thao Việt Nam trên đường đua xanh - nội dung danh giá ở các cuộc thi thể thao

Không ít người đã cảm động khi nghe chàng trai 18 tuổi này nhắc tới người cha quá cố của anh với một ước nguyện: “Ứớc gì tôi được gặp ba vào lúc này. Ba, con cảm ơn ba nhiều lắm…”. Năm 2008, khi Phước đang tập huấn ở Trung Quốc thì ba anh mất. Từ đó đến nay, trong trái tim của chàng trai này vẫn cứ nhói đau bởi một câu hỏi không lời đáp: “Sao ba không đợi con về! Ba ơi?”

Phước sinh ra trong gia đình có truyền thống thể thao, ba Phước trước kia là trọng tài bắn súng. Minh, anh trai kế rất đam mê bóng đá nhưng chỉ chơi ở cấp Quận. Chị Tú cũng là VĐV điền kinh nhưng phải bỏ nghề sau khi lập gia đình. Phước là con thứ 7 trong nhà.

4. Lê Bích Phương (Karatedo, 14/8/1992)

Bắt đầu tập luyện karate từ năm 2005 nhưng đến năm 2008, Bích Phương mới lần đầu tiên được tập trung đội tuyển quốc gia. Trước khi tham dự ASIAD 16, bảng thành tích thi đấu quốc tế của Lê Bích Phương còn khá nghèo nàn nhưng có lẽ, đó cũng chính là lý do khiến cô không phải chịu bất kỳ sức ép nào, thoải mái thi đấu và mang vinh quang về cho tổ quốc.

Từ một cô gái hay khóc nhè, Lê Bích Phương đã trưởng thành vượt bậc

Từ một cô gái hay khóc nhè, Lê Bích Phương đã trưởng thành vượt bậc. Sau tấm HCV ASIAD 16, Bích Phương tiếp tục mang vàng về cho Karatedo Việt Nam. Cuộc hành trình tại SEA Games 26 của Phương bắt đầu từ chiến thắng trước Phommachan (Lào, tỷ số 6-0) ở tứ kết và Soriano (Philippines, 3-1). Cô kết thúc thành công chiến dịch săn vàng trên đất Indonesia khi hạ Pustitasari 4-0 tại nhà thi đấu Tennis Indoor Jakarta.

5. Dương Văn Thái (Điền kinh, 28/4/1992)

Tại nội dung chạy 800m nam, khi 8 đối thủ đang ở khoảng cách 200m cuối cùng, một vóc dáng thư sinh bật lên lao vun vút về đích như một mũi tên. Đó chính là Dương Văn Thái- nhà vô địch Đông Nam Á của Việt Nam ở tuổi 19. Chứng kiến hình ảnh ấy, tất cả đều sửng sốt. Đơn giản bởi với làng điền kinh khu vực, Dương Văn Thái là vận động viên chưa có tên tuổi và lần đầu tiên tham dự.

Dương Văn Thái là sự thay thế hoàn hào cho Đình Cương

Khi đang khởi động, có vẻ tự tin, Dương Văn Thái nói nhỏ với "đàn anh" cùng chạy Nguyễn Đình Cương: "Hay là em sẽ sớm bứt lên luôn?" Tất nhiên điều đó đã không được chấp nhận vì quá mạo hiểm và ban huấn luyện đã đề ra chiến thuật, Thái sẽ "núp bóng" Đình Cương ở 600m đầu. Cả hai đã thực hiện tốt chiến thuật thi đấu. Ở 200 m cuối, Dương Văn Thái đã lao lên tung ra những bước chạy nước rút về đích khiến các đối thủ đều không kịp trở tay. Thành tích 1 phút 49 giây 42 của Thái đã xô đổ kỷ lục quốc gia mà "đàn anh" Lê Văn Dương lập được năm 2004 (1 phút 49 giây 81).

Xuất thân từ Nam Định, Dương Văn Thái bắt đầu tập luyện điền kinh từ thời học sinh cấp 2. Đến năm 2008, khi mới 16 tuổi, Thái được gọi vào tuyển trẻ quốc gia. Tuy nhiên, SEA Games 26 mới là SEA Games đầu tiên mà chàng trai năm nay 19 tuổi này tham gia, vì thế tấm HCV mà anh cùng Đình Cương đã giành được càng có ý nghĩa. Nhất là trong bối cảnh người đàn anh Đình Cương đã “luống tuổi”, Dương Văn Thái chính là niềm hy vọng mới để tiếp bước đàn anh ở đường chạy trung bình.

6. Phan Thị Hà Thanh (Thể dục dụng cụ, 16/10/1991)

Hà Thanh trên bục nhận HCV

Chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi đoạt HCĐ giải vô địch thế giới nội dung nhảy chống tại Nhật Bản, cô gái vàng của thể dục dụng cụ VN lại mang về 3 chiếc HCV tại Sea Games 26. Thể dục dụng cụ (TDDC) nữ VN có thể sẽ tự hào rất lâu vì thế hệ của Đỗ Thị Ngân Thương và Phan Thị Hà Thanh đã quá xuất sắc qua các kỳ SEA Games liên tiếp. Bắt đầu từ SEA Games 2003 tại VN, những cô gái vàng này đã mang về HCV đồng đội và xà lệch. Đỉnh điểm là năm 2005 tại Philippines khi Ngân Thương giành 2 HCV toàn năng và xà lệch, rồi sau đó là HCV cầu thăng bằng năm 2007, còn Hà Thanh đoạt HCV nhảy chống. Sau SEA Games 2009 mà TDDC không được đưa vào thi đấu, thì ở Palembang, cả 2 cô gái vàng này lại mang về tổng cộng 5 chiếc HCV cho đoàn TTVN.

7. Thạch Thị Trang (Karatedo, 1/1/1991)

Thạch Thị Trang sinh ra trong một gia đình nghèo nơi cô phải làm những công việc đồng áng nặng nhọc để giúp đỡ cha mẹ cũng như 6 anh chị em của mình. Cuộc sống khó khăn đã rèn luyện cho cô ý chí mạnh mẽ, dũng cảm không quản ngại khó khăn trước hoàn cảnh nào. Điều này được thể hiện rõ trên sàn đấu SEA Games, nơi cô liên tiếp tạo ra những bất ngờ.

Cuộc sống khó khăn đã rèn luyện cho Trang ý chí mạnh mẽ, dũng cảm không quản ngại khó khăn trước bất cứ hoàn cảnh nào.

Mới lần đầu tiên tham dự SEA Games, lại có thể hình bất lợi, nhưng Thạch Thị Trang đã bất ngờ đánh bại Jamalliah và Mardiah Nasution của nước chủ nhà Indonesia để giúp Karatedo Việt Nam giành tấm HCV đầu tiên. Trong trận chung kết, Trang bị chảy cả máu mũi vì bị đối thủ đánh phạm luật, nhưng cô gái được sinh ra trong gia đình nghèo có 7 anh chị em ở Trà Vinh vẫn chiến đấu kiên cường để giành chiến thắng áp đảo.

Ngay sau chiến công đoạt HCV và nhận được phần thưởng 500 USD, Trang đã tâm sự rất thật lòng: “Tôi đến từ một gia đình rất nghèo, được đi máy bay ra nước ngoài là điều tôi chưa mừng mơ đến. Tôi sẽ dùng số tiền thưởng để giúp đỡ gia đình mình. Chính cuộc sống khó khăn đã biến tôi thành một con người mạnh mẽ và dũng cảm như hôm nay…”

8. Lê Quang Liêm (Cờ vua, 13/3/1991)

Kỳ thủ Lê Quang Liêm xứng đáng với danh hiệu “người có bước đột phá” của thể thao Việt Nam năm 2011, khi trở thành khách mời thường xuyên của các giải cờ vua siêu đại kiện tướng quốc tế và nhảy vọt lên hạng 25 thế giới. Lê Quang Liêm mở màn năm 2011 bằng thành tích ấn tượng: bảo vệ thành công ngôi vô địch Giải cờ vua Aeroflot 2011 và trở thành kỳ thủ đầu tiên hai lần liên tiếp vô địch trong lịch sử 10 năm của giải siêu cúp này.

Liêm vô địch Spice Cup

Tháng 8 vừa qua, Lê Quang Liêm được mời dự giải cờ vua siêu đại kiện tướng ở Dortmund (Đức) nhờ thành tích xuất sắc tại giải Aeroflot. Đây là giải mời rất uy tín, chỉ những tay cờ xuất sắc nhất mới được tham dự. Trong 10 ván tại giải Dortmund, Liêm hoà 9 ván và thắng 1 ván ở vòng thứ 5 trước nhà vô địch thế giới người Nga Ponomarinov. Liêm giành 5,5 điểm, bằng đúng số điểm đã đưa anh lên ngôi á quân ở Dortmund năm ngoái và bảo vệ được vị trí thứ nhì.

Vào tháng 10, Liêm dự giải Spice Cup tại Texas, Mỹ và giành chức vô địch sau ván đấu quyết định trước đại kiện tướng quốc tế người Cuba Leinier Dominguez. Tại SEA Games 26 vừa qua, Liêm vô địch cờ tưởng – nội dung còn khá mới lạ và cờ nhanh. Hiện Lê Quang Liêm đang xếp hạng thứ 3 trong các kỳ thủ châu Á, chỉ sau đương kim vô địch đại kiện tướng người Ấn Độ Viswanathan Anand và đại kiện tướng người Trung Quốc Vương Hạo.

9. Nguyễn Mai Phương (Wushu, 2/8/1990)

Võ sĩ wushu xinh đẹp đã rất nỗ lực khắc phục chấn thương để lên thảm, chiến đấu hết mình và đem về tấm HC vàng duy nhất cho đội wushu Việt Nam tại SEA Games ở các nội dung biểu diễn. Ở SEA Games hai năm trước tại Lào, Mai Phương phải làm khán giả vì chấn thương. Lần này, ở Indonesia mới lành vết đau cũ nhưng cô gái xinh đẹp rất nỗ lực để tái xuất tại nội dung biểu diễn trường quyền nữ. “Quá trình tập luyện của em rất gian khổ bởi em vừa trải qua ca phẫu thuật và mới quay trở lại. Tấm HC vàng này rất có ý nghĩa với em, là nguồn động lực lớn và phần thưởng cho quyết tâm trong suốt thời gian qua”, Mai Phương chia sẻ.

Bằng sự uyển chuyển, mềm mại và đẹp mắt trong bài biểu diễn của mình, Phương đã chinh phục được hội đồng trọng tài để đạt 9,71 điểm, hơn Susyana Tjhan (Indonesia) 0,01 điểm. Chiếc HCV của Phương còn ấn tượng hơn bởi ở các nội dung biểu diễn quyền, chủ nhà Indonesia luôn chiếm ưu thế.

10. Dương Thị Việt Anh (Điền kinh, 30/12/1990)

Bị căng cơ đùi trước khi thi đấu rồi lại bị lật cổ chân sau khi vượt qua mức xà 1m87, nhưng Việt Anh vẫn nén cơn đau để vượt mức xà 1m90 và mang về cho TTVN tấm HCV quý giá. Điều đặc biệt hơn thành tích còn vượt xa so với thành tích mà của chính Việt Anh có được tại giải VĐQG một tháng trước đó khi cô chỉ đạt mức xà 1m85, ở SEA Games 25 cô gái miền sông nước Nam Bộ này cũng chỉ đạt mức xà 1m88, giành HCB.

Việt Anh sẽ chinh phục những gì Nguyễn Thị Nhung còn dang dở

Đã có thể thấy rõ sự tiến bộ vượt bật của các VĐV Việt Nam ở những môn thể thao cơ bản. Và đó thực sự là một tín hiệu rất vui, rất đáng mừng của TTVN.

Sơn Huy

Theo Bưu điện Việt Nam
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)