Một điều trùng hợp trớ trêu và đầy bất hạnh là COP18 diễn ra khi Philippines cũng vừa trải qua một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử đất nước Đông Nam Á này, bão Bopha, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Khi đoạn video ghi bài phát biểu của ông Sano tại COP18 được tung lên mạng, tờ Guardian từng đặt câu hỏi: “Liệu những giọt nước mắt của nhà đàm phán Philippines có thay đổi được cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của chúng ta?”.
Guardian bày tỏ hy vọng rằng, khi một nhà ngoại giao cấp cao tại cuộc đàm phán toàn cầu phải bật khóc trước đám đông thì đó là tín hiệu buộc các nước khác phải chú ý. Tờ báo Anh bình luận điều này rất hiếm khi xảy ra, nhưng nếu đã xảy ra thì hẳn phải tạo được ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ. Tiếc thay, Guardian đã sai!
Ông Yeb Sano (ngoài cùng, bên trái) và các đại biểu tham dự COP19 mặc niệm nạn nhân bão Haiyan
Tại COP18, ông Yeb Sano đã vô cùng tha thiết kêu gọi các đại biểu đến từ khắp thế giới rằng:
“Khi chúng ta đang còn ngồi đây đàm phán, ngồi đây so đo và trì hoãn, thì ở bên ngoài kia, số người chết vẫn không ngừng tăng lên. Một sự tàn phá khủng khiếp, trên diện rộng đã xảy ra. Hàng trăm nghìn người không còn nhà cửa. Và thử thách vẫn chưa hết vì cơn bão Bopha đã lấy lại sức mạnh khi tiến về một khu vực đông dân khác ở phía Tây Philippines”.
Thưa bà Chủ tịch, chúng tôi chưa bao giờ phải gánh chịu một cơn bão như Bopha, cơn bão đã tàn phá một phần của đất nước vốn chưa từng chứng kiến một cơn bão nào như thế từ nửa thế kỷ nay. Bi kịch đau đớn này không chỉ của riêng Philippines, bởi vì toàn thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển phải vật lộn để giải quyết nạn đói nghèo, nỗ lực phát triển xã hội và con người, cũng đang phải đối mặt với những thực tế tương tự.
Thưa bà Chủ tịch, tôi phát biểu thay cho 100 triệu người Philippines mà một phần tư triệu trong số họ đang mưu sinh ở đây, tại Qatar này. Và tôi đưa ra một lời kêu gọi khẩn thiết, không phải với tư cách một nhà đàm phán, cũng không phải với tư cách một trưởng đoàn, mà với tư cách một người Philippines...”.
Tới đây, Sano đã bật khóc.
“Tôi kêu gọi toàn thế giới, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy mở to mắt và nhìn thẳng vào thực tế khắc nghiệt mà chúng ta đang phải đối mặt. Tôi kêu gọi các vị bộ trưởng. Kết quả đàm phán của chúng ta không phải để thỏa mãn những gì các lãnh đạo chính trị của chúng ta mong muốn. Mà nó phải đáp ứng kỳ vọng của 7 tỷ người đặt vào chúng ta.
Tôi kêu gọi tất cả mọi người, xin đừng trì hoãn thêm nữa, đừng bao biện thêm nữa. Hãy để Doha được nhớ đến như là nơi mà chúng ta nhận thấy ý chí chính trị sẽ làm thay đổi mọi thứ. Hãy để 2012 được nhớ đến như là năm thế giới có đủ can đảm và ý chí để chịu trách nhiệm về tương lai mà chúng ta mong muốn. Tôi xin hỏi tất cả mọi người ngồi đây, nếu không phải chúng ta thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ? Nếu không phải ở đây thì ở đâu?”
Khi đó, cả hội trường đã đứng lên vỗ tay tán thưởng.
Thế nhưng, gần 1 năm sau bài phát biểu đầy cảm xúc và chan chứa nhiệt huyết ấy, thế giới lại một lần nữa phải chứng kiến thảm kịch kinh hoàng. Siêu bão Haiyan, với sức mạnh vượt xa Bopha, đã đổ bộ vào Philippines, san phẳng nhiều vùng đất, cướp đi 2.500 sinh mạng (theo công bố của Tổng thống Aquino).
Một lần nữa, đoàn đại biểu Philippines đến COP trong đau thương và mất mát cực độ của cả một dân tộc.
Và khi nước mắt của Sano tiếp tục lăn dài trong bài phát biểu tại COP19 năm nay, tạp chí Time trích đăng lại bài phát biểu của ông năm ngoái với tựa đề: "Nhà đàm phán Philippines này từng cảnh báo chúng ta năm ngoái, và chúng ta đã phớt lờ”. Time đặt câu hỏi: “Liệu giờ chúng ta có thể dành thêm chút quan tâm?”
Hy vọng câu hỏi ấy không rơi vào im lặng…!